1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản thảo luận với Việt Nam về ODA thế hệ mới

Thành Đạt

(Dân trí) - Trưởng Đại diện JICA Việt Nam Sugano Yuichi cho biết Nhật Bản đang tiếp tục thảo luận với phía Việt Nam về ODA thế hệ mới nhằm cung cấp vốn ODA một cách linh hoạt.

Nhật Bản thảo luận với Việt Nam về ODA thế hệ mới - 1

Trưởng Đại diện JICA Việt Nam Sugano Yuichi cho biết tại cuộc họp báo vào sáng 18/10 (Ảnh: Thành Đạt).

"Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với các quan chức chính phủ Việt Nam về ODA thế hệ mới, nhằm cung cấp vốn ODA một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của chính phủ Việt Nam", Trưởng Đại diện JICA Việt Nam Sugano Yuichi cho biết tại cuộc họp báo vào sáng 18/10.

Theo Trưởng đại diện JICA Việt Nam, khoản vay ODA ký với chính phủ Việt Nam vào tháng 7 năm nay với mục đích hỗ trợ tài chính cho các chính sách của chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 có thể được coi là một dự án tiên phong của chương trình ODA thế hệ mới.

Ông Yuichi cho biết, về hoạt động của JICA Việt Nam trong năm tài khóa 2023, một kết quả nổi bật cần phải kể đến là thỏa thuận vay ODA được ký kết vào tháng 7 cho 3 dự án, với tổng trị giá lên đến hơn 60 tỷ yên (tương đương 10.672 tỷ đồng) trong 3 lĩnh vực: Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng đô thị; Tăng cường chuỗi cung ứng nông sản; Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19.

"Đây là lần ký nhiều thỏa thuận vay ODA cùng một lúc nhất sau 6 năm kể từ năm 2017", Trưởng đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Yuichi, trong năm tài khóa 2022, tính từ tháng 4/2022 đến hết tháng 3/2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA là 18,9 tỷ yên (tương đương gần 3.100 tỷ đồng) (chưa bao gồm "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân"). Giá trị vốn ODA cho các dự án hợp tác kỹ thuật là 4,7 tỷ yên (tương đương 768 tỷ đồng) và cho các dự án viện trợ không hoàn lại là 700 triệu yên (tương đương 114 tỷ đồng), với hơn 100 dự án lớn nhỏ đang thực hiện.

Ông Yuichi cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong tài khóa 2022 là hệ thống các thiết bị quan trắc thủy văn và hệ thống thông tin quản lý thiên tai kết hợp dự báo lũ, thuộc khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại đã được khánh thành vào tháng 5/2022 tại miền Trung Việt Nam, nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai, nhất là bão lũ.

Bên cạnh đó, JICA cũng đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, hay cải thiện độ chính xác trong dự báo khí tượng trên toàn quốc, trước thực tế thiệt hại do thiên tai ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trong khuôn khổ dự án vốn vay ODA nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, tòa nhà phức hợp Phòng thí nghiệm và Tòa nhà công nghệ cao đã được khánh thành vào tháng 10/2022. Tại miền Bắc, với trường Đại học Việt - Nhật (VJU), tính đến nay đã có 360 học viên tốt nghiệp hệ thạc sỹ và trong lễ khai giảng vào tháng 10 năm nay, trường đã đón gần 300 sinh viên hệ Đại học và Thạc sỹ.

JICA sẽ tiếp tục các hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nhằm tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của hai trường.

Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Dẫn dự báo của IMF, ông Yuichi cho biết tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 4,7% cho cả năm 2023 và 5,8% cho năm 2024, mức tăng trưởng này là chậm hơn so với tỷ lệ 8% của năm 2022.

Mặc dù nguyên nhân chính được cho là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu do xung đột tại Ukraine, JICA vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai nhờ sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, sự tăng cường dòng vốn đầu tư FDI và sự phục hồi của ngành du lịch.

Ông Yuichi khẳng định JICA tiếp tục thực hiện hỗ trợ chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế một cách trực tiếp, tập trung vào 4 lĩnh vực trọng điểm gồm: hợp tác trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng chất lượng cao làm nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong y tế chăm sóc sức khỏe vì một xã hội hòa nhập, hỗ trợ các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu để trung hòa carbon.

Trưởng Đại diện JICA Việt Nam cũng cho biết, mục đích của nguồn vốn ODA là hợp tác để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên để việc triển khai các dự án ODA được thuận lợi, điều quan trọng là nước nhận viện trợ ODA hoặc khoản vay ODA phải có những quy định rõ ràng, dễ hiểu và thủ tục nhanh chóng.

Do vậy, JICA cùng các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang đề nghị Việt Nam có các biện pháp cải thiện. JICA tin rằng nếu những điều trên được cải thiện, nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.