An Bình

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước sang trang mới

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước sang trang mới - 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tạo điều kiện đưa quan hệ 2 nước bước vào một giai đoạn mới, đồng thời mở ra những lĩnh vực tiềm năng mới, nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá.

Việt Nam - Nhật Bản ngày 27/11 đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

"Một trang mới"

Trao đổi với phóng viên Dân trí khi đánh giá về việc nâng cấp quan hệ Việt - Nhật, ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015-2018, cho rằng việc nâng cấp này một mặt thể hiện sự phát triển giữa hai nước trong 50 năm qua, đồng thời tạo điều kiện đưa quan hệ bước vào một giai đoạn mới, như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu, đó là một trang mới.

Theo ông Cường, việc nâng cấp một mặt đưa các lĩnh vực hợp tác vốn khá toàn diện hiện nay lên một tầm cao mới, đồng thời mở ra những lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên đều nhấn mạnh như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số.

"Nhật Bản cũng có cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế, đồng thời ủng hộ Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển. Nhật Bản rất ủng hộ mục tiêu này và mong muốn góp phần của mình để hỗ trợ chúng ta đạt được điều đó", ông Cường nói.

Theo dõi chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng qua các kênh truyền thông, ông Cường đánh giá, chuyến thăm rất thành công. Phía Nhật Bản đã đón tiếp Chủ tịch nước và đoàn cấp cao của Nhà nước Việt Nam rất trọng thể, trong đó Chủ tịch nước hội kiến Nhà vua và dự tiệc chiêu đãi, hội đàm với Thủ tướng Fumio Kishida, phát biểu tại Quốc hội.

Phía Nhật Bản đã dành cho phái đoàn cấp cao Việt Nam sự đón tiếp rất trọng thị và bố trí chu đáo về chương trình làm việc của đoàn.

Trong các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và qua tuyên bố chung, Đại sứ Quốc Cường nhận thấy hai bên nhấn mạnh, về kinh tế, hai nước sẽ tập trung để xác định các dự án kinh tế lớn, thậm chí có thể lập các ủy ban liên chính phủ để tập trung xử lý các dự án kinh tế trọng điểm.

Nhật Bản cũng mong muốn Việt Nam trở thành một cứ điểm trong chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của Nhật Bản và mong muốn Việt Nam tham gia một cách hiệu quả, sâu rộng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đó.

"Đó là những lĩnh vực mới, đáng chú ý trong khi hai nước tuyên bố nâng tầm quan hệ", ông Cường đánh giá.

Theo Đại sứ Quốc Cường, vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác về năng lượng, đổi mới sáng tạo được xác định là những lĩnh vực hợp tác mới. Đây là định hướng mà lãnh đạo hai bên nhất trí. Trong thời gian tới, các bộ ngành liên quan, cơ quan hữu quan, doanh nghiệp của hai nước sẽ tiếp tục làm việc để đưa định hướng hợp tác này đi vào cụ thể.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Cường đánh giá, hợp tác nguồn nhân lực trong những năm qua đã là điểm sáng và sẽ tiếp tục là một trụ cột của quan hệ hai nước trong những năm tới. Ông Cường nhớ lại, khi ông sang nhận nhiệm vụ đại sứ năm 2015, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản có khoảng 50.000 người, nhưng đến nay đã tăng lên 520.000 người, tức tăng hơn 10 lần trong vòng 8 năm.

Khoảng 300.000 người trong số đó là kỹ sư, thực tập sinh, lao động có kỹ năng, chiếm 1/4 lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản và cũng là lực lượng lao động tại nước ngoài lớn nhất hiện nay, vượt Hàn Quốc. Thủ tướng Kishida khẳng định, lực lượng lao động Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản trong những năm qua.

Theo ông Quốc Cường, để lĩnh vực hợp tác trên có hiệu quả hơn, hai bên cũng bàn tới việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, đặc biệt nếu Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản.

"Để tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nguồn lao động chất lượng cao là hết sức quan trọng. Tôi hi vọng rằng sau chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai bên sẽ giao cho các bộ ngành liên quan bàn bạc các vấn đề cụ thể để tăng cường đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Nếu đạt được điều đó, đây tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt - Nhật trong nhiều năm tới", ông Cường nhận định.

Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã tổ chức hơn 500 hoạt động để kỷ niệm, chứng tỏ hai bên rất coi trọng mối quan hệ này, theo Đại sứ Quốc Cường.

Lãnh đạo hai nước đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, theo thống kê của Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần thăm Nhật Bản. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản cũng có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào năm 2017.

Các Thủ tướng Nhật Bản nhiều lần thăm Việt Nam. Các Thủ tướng mới của Nhật Bản khi nhậm chức đa phần cũng chọn Việt Nam cho một trong những chuyến thăm đầu tiên.

"Điều đó chứng tỏ Nhật Bản rất coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam", ông Cường đánh giá.

Ông Cường chia sẻ, trong các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo hai nước mà ông có dịp tham dự trước đây, các lãnh đạo Nhật Bản đã nhấn mạnh tới việc đánh giá cao vị thế của Việt Nam, đồng thời muốn xây dựng quan hệ thân tình giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Trong chuyến thăm lịch sử Việt Nam vào năm 2017, khi trở về nước, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản bày tỏ ấn tượng về sự đón tiếp nồng hậu của các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam, và nhiều lần nhắc tới ấn tượng rất sâu sắc về chuyến thăm.

Các lãnh đạo doanh nghiệp, người dân Nhật Bản khi đến thăm đều cảm nhận được tình cảm của người dân Việt Nam và họ cũng rất ấn tượng trước sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.

"Những người Nhật Bản mà tôi tiếp xúc đều bày tỏ ấn tượng về sức trẻ khi gặp gỡ các lao động trẻ của Việt Nam. Chính Thủ tướng Kishida cũng nói rằng, các lao động trẻ, các kỹ sư, các thực tập sinh Việt Nam đã góp phần phát triển nền kinh tế Nhật Bản", ông Cường cho hay.