Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự
Kinh tế Nhật Bản hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, những thách thức về an ninh và quốc phòng tại vùng Đông Bắc Á đang buộc nước này tiếp tục phải đổ tiền của vào việc mua sắm vũ khí.
Sự suy giảm trong quý vừa qua là sự suy giảm lần thứ 7 kể từ khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9-2008 và từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Sự suy giảm về kinh tế được thể hiện rõ nét nhất trong các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, mà sản phẩm của chúng luôn được ưa chuộng ở vị trí thống soái trên thế giới. Tập đoàn chế tạo các sản phẩm điện tử Sharp đã tuyên bố vào đầu tháng 11/2012, hiện đang có những hoài nghi về việc liệu họ có thể tiếp tục hoạt động sau năm thứ hai bị lỗ kỷ lục. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1950, tập đoàn này đã buộc phải cầm cố các trụ sở lãnh đạo của mình và bán các công xưởng cho nước ngoài, buộc phải giảm lương và giảm việc làm. Panasonic cũng gặp khó khăn tương tự và dự báo năm thứ hai liên tiếp bị lỗ, với 10 tỉ USD.
Hải quân Nhật sẽ được tăng cường mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc
Cũng không thoát khỏi tình trạng thua lỗ như hai công ty điện tử khổng lồ trên, Sony đang chật vật để đứng vững. Ba công ty này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc giảm giá màn hình phẳng máy thu hình và các đồ gia dụng khác. Nếu một phần sự suy giảm trên có thể là do các hãng của Nhật Bản, nhất là các hãng khổng lồ về điện tử, bị các đối thủ nước ngoài cạnh tranh mạnh mẽ, bán hàng với giá rẻ hơn, thì đó còn là do những tiến trình quan trọng hơn đang diễn ra, phản ánh những xu thế bất lợi của nền kinh tế thế giới.
Rõ ràng là tình hình kinh tế Nhật Bản hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng ở Mỹ, châu Âu và phần còn lại của thế giới, đang rất sâu sắc, ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Nhật Bản, từ đó ảnh hưởng đến việc tài trợ cho các khoản nợ công. Nếu so về GDP, Nhật Bản có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới: Nợ công của Mỹ là khoảng 100% GDP; Italia: 120%; Hy Lạp: 150%, còn ở Nhật Bản là 230%, hơn tổng số nợ của tất cả 17 nước thành viên khu vực đồng euro. Cho đến nay, số nợ này phần lớn đã được tài trợ bằng các nguồn vốn quốc gia. Nhưng nếu tài khoản vãng lai và cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt thì việc tài trợ này rất khó thực hiện được do tình trạng suy thoái trên thế giới đang gia tăng.
Trước những khó khăn kinh tế chồng chất như vậy, ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong năm tài khóa 2013 (bắt đầu vào 1/4/2013) sẽ bị cắt giảm mạnh, và sẽ ở mức thấp nhất trong vòng 22 năm qua, song vẫn là một trong những ngành được ưu tiên đầu tư nhiều nhất.
Theo giới công nghiệp quốc phòng Mỹ, dù việc mua sắm vũ khí của Nhật Bản có giảm do nguồn kinh phí bị thu hẹp, song nó không ảnh hưởng đến những vũ khí và trang thiết bị mũi nhọn mà Mỹ có thế mạnh, chẳng hạn như xe lội nước, các hệ thống thông tin mới và máy bay tiêm kích Lockheed Martin F-35A Lightning II Joint Fighters.
Cho dù ngân sách giảm, song việc quân đội Nhật Bản tiếp tục trang bị những loại vũ khí, khí tài hiện đại ấy chứng tỏ những ưu tiên của quốc gia này trong việc bảo vệ hải phận và không phận, cũng như luôn phải đề phòng trước mối đe dọa từ khu vực.
Những mối lo ngại ngày càng gia tăng do những bất đồng và tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, cũng như đảo Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc, và đương nhiên là mối đe dọa bằng tên lửa của Triều Tiên.
Trong số những yêu cầu bắt buộc để trang bị mới cho quân đội Nhật Bản, đáng chú ý nhất là trang bị cho Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF), trong đó, riêng số tiền để mua 4 xe tấn công lội nước (AAV) đã mất 2,5 tỉ yên (31,8 triệu USD). Việc trang bị 4 xe tấn công lội nước này đánh dấu khả năng lội nước hàng đầu thuần túy mang tính tấn công của Nhật Bản thời hậu chiến tranh, nhằm ngăn chặn những mối đe dọa đối với các hòn đảo nằm ở xa của Nhật Bản.
Các lực lượng phòng vệ Nhật cũng xin cấp 3,2 tỉ yên để triển khai một trạm radar giám sát bờ biển tại các đảo ở biển Hoa Đông. Việc triển khai trạm radar này nằm trong đường lối chỉ đạo của Chương trình quốc phòng năm 2010, thể hiện chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong 5 năm tới. Ngoài ra, lực lượng thông tin của nước này cũng được cấp 80,6 tỉ yên để lắp đặt 12 hệ thống truyền thông trên đất liền nhằm khỏa lấp những thiếu sót về thông tin trong vụ sóng thần và thảm họa hạt nhân ở Fukushima hồi tháng 3/2011.
Về hệ thống phòng thủ tên lửa, ngoài các hệ thống báo động tiên tiến, 2,2 tỉ yên đã được đầu tư để hiện đại hóa các tàu khu trục Aegis lớp Atago, 4,1 tỉ yên được đầu tư để mua sắm các tên lửa PAC-3 và 1,2 tỉ yên để phát triển, cùng với Mỹ, một tên lửa đánh chặn có hiệu năng cao hơn SM-3 Block IIA. Các lực lượng phòng vệ trên biển đã yêu cầu cấp 72,3 tỉ yên để chế tạo một tàu khu trục 5.000 tấn lớp Akizuki với một hệ thống đẩy kết hợp diesel - điện và khí đốt sẽ giảm được phí tổn khi vận hành. Khả năng chống tàu ngầm của nó rất cao, và nó có thể phát hiện được rất sớm tàu ngầm của đối phương. Hải quân Nhật cũng xin đầu tư 53,6 tỉ yên để sở hữu tàu ngầm 2.900 tấn thứ 9 lớp Soryu và 19,2 tỉ yên để thay thế tàu Yaeyama: đây là tàu vớt mìn lớn nhất của Hải quân Nhật. Ngành hàng không - hàng hải Nhật dự định đầu tư 44,5 tỉ yên để mua 2 chiếc KawasakiP-1, 1 máy bay tuần tra biển hiệu năng cao (AMP). Các lực lượng phòng vệ cũng dự định đầu tư 1,3 tỉ yên để chế tạo một tên lửa biển đối biển nhằm thay thế tên lửa SSM-1B mẫu 90 tầm trung chống hạm.
Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật cũng dự định đầu tư 116,8 tỉ yên cho chi phí ban đầu của các xí nghiệp Nhật Bản để có thể tham gia chế tạo máy bay F35A, đây là những máy bay đầu tiên của một loạt loại 42. Bộ Quốc phòng Nhật cũng đầu tư 6,1 tỉ USD nhằm chế tạo máy bay tiêm kích thay thế Mitsubishi F-2. Số tiền này còn dùng để phát triển động cơ và tiến hành các chuyến bay thử nghiệm, và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2014.
Cuối cùng, Bộ tham mưu liên quân Nhật, phụ trách các chiến dịch phối hợp của 3 quân chủng, đã xin đầu tư 21,2 tỉ yên để thành lập lực lượng bảo vệ trên không gồm 100 thành viên, và đưa vào sử dụng các thiết bị giám sát mới, nhất là để bảo đảm việc bảo vệ Bộ Quốc phòng trước mọi cuộc tấn công có thể xảy ra trong tương lai.
Hải quân Nhật đề xuất đầu tư 53,6 tỉ yên để sở hữu tàu ngầm 2.900 tấn thứ 9 lớp Soryu và 19,2 tỉ yên để thay thế tàu Yaeyama: đây là tàu vớt mìn lớn nhất của Hải quân Nhật. Ngành hàng không - hàng hải Nhật dự định đầu tư 44,5 tỉ yên để mua 2 chiếc KawasakiP-1, 1 máy bay tuần tra biển hiệu năng cao (AMP). |