1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản sẵn sàng ứng phó đội tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng tranh chấp

Minh Phương

(Dân trí) - Tokyo lo ngại hàng chục tàu cá của Trung Quốc có thể đi vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông khiến căng thẳng leo thang hơn nữa.

Nhật Bản sẵn sàng ứng phó đội tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng tranh chấp - 1

Tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh minh họa: Kyodo)

Hãng tin Sankei của Nhật Bản đưa tin ngày 10/8, Bắc Kinh đã thông báo với Tokyo về việc lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển quanh quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) sẽ hết hiệu lực vào ngày 16/8 tới.

Giới quan sát cho rằng, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực này, Trung Quốc có thể cho phép một đội tàu đánh bắt quy mô lớn với sự hậu thuẫn của lực lượng dân quân biển, tuần duyên và hải quân Trung Quốc đánh bắt xung quanh quần đảo tranh chấp.

Sankei dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, nếu Bắc Kinh cho phép hoặc khuyến khích các tàu cá hoạt động gần Điếu Ngư/Senkaku, động thái đó sẽ cho thấy căng thẳng leo thang đáng kể ở khu vực này. Nếu khoảng 100 tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng biển này, Nhật Bản sẽ có ít lựa chọn đối phó đặc biệt nếu các tàu đó lại được hộ tống bởi các tàu hải cảnh của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm 4/8 cho biết, các đơn vị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về cách thức mà các đơn vị này có thể dùng để ứng phó.

Trước kia, khi Trung Quốc dỡ lệnh đánh bắt cá ở vùng biển này vào năm 2016, 72 tàu đánh cá của Trung Quốc được hộ tống bởi 28 tàu của dân quân biển, tuần duyên và hải quân Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản liên tục trong 4 ngày.

Trong suốt 18 tháng qua, các tàu tuần duyên Trung Quốc bị cáo buộc liên tục đi vào lãnh hải Nhật Bản hoặc vùng tiếp giáp quanh quần đảo tranh chấp và phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản. Gần đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc mới rút khỏi khu vực quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư để tránh bão sau 111 ngày hiện diện liên tục ở khu vực này. Đây là đợt áp sát liên tục lâu nhất từ khi Tokyo quốc hữu hóa một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ tháng 9/2012, khiến căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Ông Garren Mulloy, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunkyo, nhận định Trung Quốc dường như đang tìm cách lấn lướt lực lượng tuần duyên của Nhật Bản ở khu vực này trong bối cảnh tuần duyên của Nhật Bản phải dàn trải lực lượng ở các vùng biển khác nhau.

“Lực lượng tuần duyên Nhật Bản có thể ứng phó với khoảng 10 tàu cá, song nếu có đến 200 tàu cá lại được hộ tống bởi các tàu hải cảnh và tuần duyên của Trung Quốc, họ chỉ có thể đối phó với một số lượng nhất định”, ông Mulloy nhận định. Ông Mulloy cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản (MSDF) sẽ sẵn sàng cho bất cứ kịch bản đối đầu nào, các tàu của MSDF sẽ triển khai ở vị trí đủ gần để ứng phó các tàu của Nhật Bản, song tránh làm leo thang tình hình. MSDF có thể dùng máy bay tuần tra để theo dõi cả tàu mặt nước và tàu ngầm đối phương trong khu vực để đưa ra cảnh báo sớm.

Quần đảo không người ở tại Hoa Đông hiện do Nhật Bản quản lý và gọi là Senkaku nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và đặt tên là Điếu Ngư. Vụ tranh chấp đã trở thành “cái gai” trong quan hệ giữa hai nước nhiều thập niên qua, dù mối quan hệ này đã được cải thiện những năm gần đây.

Tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư và lần gần đây nhất là vào ngày 17/4. Bắc Kinh cũng tìm cách đòi chủ quyền khu vực bằng cách áp dụng lệnh cấm đánh bắt hàng năm ở Hoa Đông, trong đó có vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư, năm nay là từ 1/5 đến 16/8.