1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản nói không thấy phóng xạ trong cá ở Fukushima

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tritium trong các mẫu cá đầu tiên được thu thập từ vùng biển gần nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 đều thấp dưới ngưỡng phát hiện được, chính phủ Nhật Bản tuyên bố.

Nhật Bản nói không thấy phóng xạ trong cá ở Fukushima - 1

Các nhà khoa học nghiên cứu mẫu cá được bắt gần khu vực tiếp nhận nước xả thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Ảnh: Kyodo).

Các mẫu cá, gồm một con cá chào mào và một con cá bơn olive, được thu thập hôm 25/8 trong phạm vi 5 km tính từ cửa xả của khu phức hợp Fukushima số 1, Kyodo dẫn tuyên bố trên trang web của cơ quan thủy sản Nhật Bản.

Mẫu cá được thu thập một ngày sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Số nước thải này được dùng để làm nguội nhiên liệu hạt nhân tan chảy tại nhà máy nhưng đã qua xử lý để loại bỏ hầu hết hạt nhân phóng xạ, ngoại trừ tritium.

Lượng tritium còn lại được pha loãng đến 1/40 của ngưỡng nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi thải ra Thái Bình Dương.

Nước thải cuối cùng được xả thông qua đường hầm dưới nước cách 1km so với nhà máy điện hạt nhân ven biển, nơi từng chịu trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3/2011.

Cơ quan thủy sản Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục lấy mẫu cá hàng ngày để phân tích và cung cấp thông tin cập nhật về kết quả xét nghiệm trong khoảng một tháng.

Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đã thu thập các mẫu nước biển trong phạm vi khoảng 50km quanh nhà máy và dự kiến công bố kết quả sớm nhất là vào ngày 27/8.

Việc xả nước thải hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã gây nhiều tranh cãi. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản, trong khi Hàn Quốc đề nghị việc xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý phải minh bạch.

Một bộ phận ngư dân, các nhà hoạt động và người tiêu dùng ở Nhật Bản tỏ ra không hài lòng vì lo ngại về môi trường và tác động tới danh tiếng của hải sản xứ Mặt Trời mọc.

Theo Kyodo