1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga muốn tăng bán hải sản cho Trung Quốc sau lệnh cấm Nhật Bản

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nga muốn tăng xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cấm nhập hải sản từ Nhật Bản do lo ngại việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

Nga muốn tăng bán hải sản cho Trung Quốc sau lệnh cấm Nhật Bản - 1

Nga là một trong những nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Trong tuyên bố cuối ngày 25/8, Rosselkhoznadzor, cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Nga, cho biết họ đang tìm cách tăng số lượng nhà xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Thị trường Trung Quốc nói chung đầy hứa hẹn cho các sản phẩm cá của Nga. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng số lượng các công ty và tàu Nga được chứng nhận, cũng như khối lượng và chủng loại sản phẩm", Reuters ngày 26/8 dẫn tuyên bố của Rosselkhoznadzor.

Để thực hiện mục tiêu đó, Rosselkhoznadzor có kế hoạch tiếp tục trao đổi về các vấn đề an toàn hải sản và hoàn tất đàm phán với Bắc Kinh về quy định đối với hải sản Nga xuất sang Trung Quốc.

Nga là một trong những nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc, với 894 công ty Nga được phép xuất khẩu hải sản, Rosselkhoznadzor cho biết vào tháng 7.

Theo cơ quan thủy sản Nga, nước này trong năm 2022 đã xuất khẩu 2,3 triệu tấn hải sản trị giá khoảng 6,1 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng đánh bắt của nước này. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà nhập khẩu lớn nhất.

Tuyên bố từ Rosselkhoznadzor còn cho biết Trung Quốc hiện là điểm đến của hơn một nửa sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Nga trong 8 tháng qua.

Trung Quốc từ trước đã cấm nhập khẩu một số thực phẩm từ Nhật Bản nhưng lệnh cấm hoàn toàn hôm 24/8 được đưa ra trước lo ngại về "nguy cơ ô nhiễm phóng xạ" sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý.

Nhật Bản cho rằng những chỉ trích từ Nga và Trung Quốc không có bằng chứng khoa học và mức độ nhiễm phóng xạ trong nước thấp hơn ngưỡng an toàn cho người uống theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo Reuters