1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản loay hoay khi “thả nhầm” khách du thuyền bị nhiễm virus corona

(Dân trí) - Việc để lọt các hành khách bị nhiễm virus corona khỏi du thuyền Diamond Princess có thể dẫn tới những nguy cơ đáng lo ngại đối với cả Nhật Bản và các chính phủ nước ngoài.

 
Nhật Bản loay hoay khi “thả nhầm” khách du thuyền bị nhiễm virus corona - 1

Hành khách được đo thân nhiệt sau khi rời khỏi du thuyền Diamond Princess ở Yokohama, Nhật Bản ngày 21/2. (Ảnh: Reuters)

Tính đến ngày 21/2, gần 1.000 hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới (Covid-19) đã được rời khỏi du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản khi thời hạn cách ly kết thúc.

Du thuyền Diamond Princess chở hơn 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn đã bị cách ly tại cảng Yokohama từ ngày 3/2, sau khi một du khách Hong Kong từng đi trên du thuyền được phát hiện nhiễm virus Covid-19. Kể từ khi bị cách ly, các ca nhiễm trên tàu liên tục tăng.

Du thuyền Diamond Princess chở hơn 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn đã bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản từ ngày 3/2. Tính đến nay, 3 hành khách trên du thuyền đã tử vong vì virus Covid-19, trong khi số ca nhiễm lên tới 691 người. Sau Hàn Quốc, đây là “ổ dịch” corona lớn thứ 2 bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Với số lượng lớn hành khách rời khỏi du thuyền, thay vì được xem là bước ngoặt tích cực sau 2 tuần cách ly căng thẳng, ngày càng nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới quyết định của chính phủ Nhật Bản khi không tiếp tục cách ly những người đã được phép rời khỏi du thuyền, cũng như việc các nhà chức trách không xét nghiệm lần hai đối với một số hành khách trong thời gian cách ly trên tàu.

Ngày 22/2, giới chức địa phương thông báo một phụ nữ người Nhật bị xác nhận nhiễm virus Covid-19 sau khi trở về quê nhà ở tỉnh Tochigi. Trước đó, người phụ nữ này đã được cho phép rời khỏi du thuyền Diamond Princess và có kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với virus corona.

Chính phủ Nhật Bản cũng bị chỉ trích vì để lọt 23 hành khách trên du thuyền, trong đó có 19 công dân Nhật và 4 người nước ngoài, khi không xét nghiệm lần hai đối với những người này trong thời hạn cách ly 2 tuần.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sai lầm của mình. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không lặp lại những sai lầm tương tự”, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Katophát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/2.

Người phụ nữ tại Tochigi là người đầu tiên bị phát hiện nhiễm virus Covid-19 trong tổng số 969 hành khách được cho phép rời khỏi du thuyền Diamond Princess trong 3 ngày 19, 20, 21/2. Tính đến ngày 19/2, trong suốt 2 tuần bị cách ly trên tàu, người phụ nữ này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Sau khi rời khỏi tàu cùng chồng hôm 19/2, người phụ nữ trên đã trở về nhà bằng phương tiện công cộng. Theo chính quyền tỉnh Tochigi, bà đã đeo khẩu trang y tế trong quá trình di chuyển.

Tuy nhiên, người phụ nữ tại Tochigi không phải hành khách duy nhất trên du thuyền trở về nhà mà không được giám sát. Những hành khách khác, những người có thể mang virus trong cơ thể, cũng sử dụng phương tiện giao thông công cộng để về nhà hoặc tới khách sạn.

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm

Nhật Bản loay hoay khi “thả nhầm” khách du thuyền bị nhiễm virus corona - 2

Những hành khách còn lại trên du thuyền Diamond Princess trong ngày 19/2. (Ảnh: Reuters)

Cách xử lý của Nhật Bản trong tình huống này trái ngược hoàn toàn với các biện pháp cách ly chặt chẽ mà các nước khác đang thực hiện đối với những hành khách trở về từ du thuyền Diamond Princess.

Có tới 800 hành khách không phải người Nhật Bản trên du thuyền đã lên máy bay về nước, nhưng như trường hợp của Mỹ, các công dân sau khi về nước được đưa vào các căn cứ quân sự và cách ly thêm 2 tuần để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus cho cộng đồng.

Trước khi xảy ra vụ việc của bệnh nhân ở Tochigi, ông Koji Wada, giáo sư nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ một số trường hợp có thể nhiễm virus corona từ trên du thuyền Diamond Princess.

Trên thực tế, một số nước, trong đó có Australia và Mỹ, đã phát hiện một số công dân được đưa trở về từ du thuyền ở Nhật Bản bị nhiễm virus corona, bao gồm cả những trường hợp từng có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi rời khỏi tàu. Bộ trưởng Kato cho biết Bộ Y tế Nhật Bản đã xác nhận 25 hành khách nước ngoài, gồm 18 người Mỹ, 6 người Australia và 1 người Israel, bị nhiễm virus corona.

“Xét nghiệm trên tàu không tránh được sai sót. Không có gì đảm bảo rằng các xét nghiệm sẽ phát hiện từng trường hợp nhiễm virus. Có khả năng một số người rời tàu đã bị nhiễm virus ngay tại Nhật Bản”, giáo sư Wada nhận định.

Bộ trưởng Kato ngày 21/2 giải thích rằng việc để các hành khách rời khỏi du thuyền Diamond Princess là một quyết định khó khăn. Mặc dù ông nhận thức được nguy cơ một số hành khách có thể bị nhiễm virus corona sau khi rời tàu, nhưng Bộ trưởng Y tế Nhật Bản cho biết ông cũng phải tính đến việc ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích, cả trong nước và ngoài nước, vì Nhật Bản giữ các hành khách ở lại quá lâu trên tàu.

Một vấn đề đang được đặt ra bây giờ là Nhật Bản sẽ xử lý như thế nào với gần 1.000 thành viên thủy thủ đoàn vẫn đang ở trên tàu Diamond Princess.

Cuộc nghiên cứu của Viện Dịch bệnh Lây nhiễm Quốc gia cho thấy, virus Covid-19 có thể lây lan giữa các thành viên của thủy thủ đoàn vì họ không được cách ly trong điều kiện nghiêm ngặt như các hành khách, thậm chí ngay cả khi họ được yêu cầu ở trong phòng. Chính phủ Nhật Bản yêu cầu thủy thủ đoàn thực hiện quá trình theo dõi kéo dài 2 tuần.

Bộ trưởng Kato cho biết Bộ Y tế Nhật Bản “đang sắp xếp với đơn vị vận hành tàu” để tìm phương án giải quyết đối với các thành viên thủy thủ đoàn.

Hiện vẫn còn hành khách ở lại du thuyền Diamond Princess, phần lớn là những người không phải công dân Nhật Bản và đang chờ chính phủ đưa máy bay tới để sơ tán về nước.

Giáo sư Atsuo Hamada tại Đại học Y Tokyo cho biết ông đồng ý với quyết định của chính phủ Nhật Bản khi cho phép các hành khách rời khỏi du thuyền.

“Vì các ca nhiễm bệnh bắt đầu lan rộng ra cả nước, nên việc cách ly thêm những người trên tàu không còn tác dụng nữa”, giáo sư Hamada nhận định.

Theo ông Hamada, việc chính phủ Nhật Bản cần làm bây giờ để đối phó với cuộc khủng hoảng là “chỉ đạo thêm nhân lực và nguồn lực để ngăn virus lan rộng ra cả nước và phát triển tốt hơn hạ tầng y tế”.

Thành Đạt

Theo Japan Times