1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản không muốn chi trả cho tham vọng của Mỹ?

Tuần này, có thông tin Nhật Bản muốn hủy các thỏa thuận với Ukraine về Nghị định thư Kyoto và yêu cầu hoàn lại khoản tiền đã chuyển cho Kiev trong khuôn khổ thỏa thuận.

Thông tin này trở thành một cú giáng bất ngờ vào lòng tự ái chính trị của chính quyền mới ở Kiev, đồng thời đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng tới ngân sách của Ukraine. Hiện ngân khố của Ukraine đang ở trong tình trạng vô cùng thảm hại. Phương Tây mới chỉ hứa hẹn với Kiev về những khoản tín dụng có bảo lãnh và những hứa hẹn đó vẫn rất mơ hồ. Trong khi đó, hợp đồng được Tokyo nhắc tới không đúng lúc có giá trị khá lớn: 800 triệu USD.

Cảnh sát lập rào chắn ngăn người biểu tình ở Ukraine. Ảnh: CNN

Cảnh sát lập rào chắn ngăn người biểu tình ở Ukraine. Ảnh: CNN

Theo các chuyên gia, việc đòi trả lại tiền chứng tỏ Tokyo thiếu tin tưởng vào chính quyền Kiev hiện nay. Giáo sư Dmitry Streltsov của Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) nhận định: "Chính phủ Nhật Bản có thái độ thận trọng với chính quyền Kiev hiện tại và không coi họ như đối tác đủ nghiêm túc, ít ra là đến khi một chính phủ có giá trị toàn diện được thành lập. Theo tôi, những đòi hỏi này nhằm hướng quan chức Kiev hành động có trách nhiệm trước tất cả cam kết mà các chính phủ trước đó đã thực hiện, có nghĩa đảm nhiệm vai trò người kế nhiệm chính quyền hợp pháp. Thực tế khoản tiền được Nhật Bản phân bổ để giảm lượng khí thải CO2 của các doanh nghiệp Ukraine đã biến mất".

Khả năng Nhật Bản muốn chính phủ mới ở Ukraine nhận thức họ không thể dùng lời hùng biện cách mạng để thoái thác những sai lầm của chính quyền tiền nhiệm. Đáng chú ý là gần đây, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết Nhật Bản sẵn sàng tham gia thảo luận về hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong khuôn khổ G-20, mặc dù chưa có quyết định gì cụ thể liên quan vấn đề này.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, ngoài cảnh báo chính quyền Ukraine hiện nay, đây cũng là một tín hiệu gián tiếp tới Nga và Mỹ. Chuyên gia Nga về Nhật Bản, ông Victor Pavlyatenko lưu ý rằng, quan điểm về thỏa thuận với Ukraine theo Nghị định thư Kyoto có khả năng liên quan những lợi ích của Nhật Bản ở Liên bang Nga.

"Có thể giải thích là Nhật Bản lên tiếng do thực tế Tokyo muốn chứng tỏ với Moskva quan điểm trước tình hình Ukraine, tránh để mất những ưu điểm đã tích lũy trong quan hệ kể từ khi Thủ tướng Nhật Abe lên nắm quyền. Một bầu không khí thuận lợi giữa Nga và Nhật Bản bắt đầu hình thành trong giai đoạn này, và như Tokyo xác định, những điều kiện tiên quyết đang xuất hiện cho vấn đề chính đối với họ là lãnh thổ”, ông Victor Pavlyatenko nói.

Như vậy, Moskva có thể hy vọng tiếp tục đối thoại và hợp tác với Tokyo.

Trong con mắt người Mỹ, động thái của Nhật Bản có thể là điều khá bất ngờ, khi Tokyo và Washington vốn có một liên minh chính trị truyền thống. Xu hướng hành động của Nhật Bản hôm nay là độc lập hơn trên trường quốc tế, Giáo sư Dmitry cho biết và nói thêm: "Chính sách cũ phân công trách nhiệm giữa Mỹ và Nhật Bản mất đi tính phù hợp, khi Tokyo vào vai nhà tài trợ bằng cách cung cấp gói viện trợ kinh tế cho các quốc gia mà Mỹ định hướng tham vọng chính trị lớn".

Có lẽ rằng Nhật Bản không còn muốn chi trả vô điều kiện cho những tham vọng địa chính trị của Mỹ. Người Nhật cũng sở hữu lợi ích quốc gia của họ trên trường quốc tế.

Theo CT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm