1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật Bản có thủ tướng mới: Những thách thức sau tín hiệu tích cực

(Dân trí) - Chiều 4/6, quốc hội Nhật Bản đã bầu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Naoto Kan làm thủ tướng, chỉ vài giờ sau khi ông được đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) bầu làm chủ tịch. Chính trường Nhật Bản đã có tín hiệu tích cực, nhưng sau đó là những thách thức.

Nhật Bản có thủ tướng mới: Những thách thức sau tín hiệu tích cực - 1
Tân thủ tướng Nhật Naoto Kan.
 
“Tín hiệu tích cực cho nền chính trị Nhật Bản”...

Chỉ vài giờ sau khi đắc cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Naoto Kan đã được Hạ viện bầu làm thủ tướng với 313 trên tổng số 477 phiếu và được Thượng viện thông qua quyết định tương tự với 123 trên tổng số 237 phiếu. Ngay trước cuộc họp của đảng DPJ, ông Naoto Kan đã được dự đoán là ứng viên sáng giá nhất đứng ra lãnh đạo đảng và chắc chắn sẽ trở thành Thủ Tướng thứ 5 kể từ năm 2006 của Nhật Bản, vì đảng này chiếm đa số tại Hạ viện.

Theo các nghị sĩ của DPJ, tân Thủ tướng dự định công bố nội các mới vào ngày 8/6 tới và đã thỏa thuận với đối tác nhỏ hơn trong liên minh là đảng Nhân dân Mới là hai bên sẽ tiếp tục thành lập chính phủ. Trong phát biểu đầu tiên trên cương vị thủ tướng, ông Naoto cam kết sẽ “tái thiết đất nước”. Ông cũng kêu gọi sự đoàn kết trong đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử thượng viện sắp tới.

Theo dư luận Nhật Bản, ở ông có những điều mà Hatoyama không có – quyết đoán, thẳng thắn, và là người theo chủ nghĩa dân túy với gốc gác bình thường. Không giống như những thủ tướng Nhật Bản gần đây, ông không thừa hưởng một nền tảng gia đình làm chính trị (ông là Thủ tướng đầu tiên trong 14 năm qua ở Nhật Bản không sinh ra trong gia đình có truyền thống chính trị) . “Tôi lớn lên trong một gia đình làm công ăn lương điển hình của Nhật Bản”, Kan nói trong cuộc họp báo hôm qua, “Tôi không có mối liên hệ gì đặc biệt. Nếu tôi có thể đảm nhận được một vai trò lớn bắt đầu từ một lai lịch bình thường như vậy, thì đó là tín hiệu rất tích cực với đời sống chính trị Nhật Bản”.

Naoto sinh ngày 10/10/1946. Ông là bộ trưởng thứ nhất (tương đương Phó Thủ tướng trong Nội các của Hatoyama Yukio, phụ trách chiến lược quốc gia, chính sách kinh tế-tài chính, và chính sách khoa học – công nghệ. Trước đây, ông từng là Phó Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Dân chủ, Phó Chủ tịch đảng Shinto Sakigake, Chủ tịch đảng DPJ. Ông cũng từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Phúc lợi trong nội các đầu tiên của ông Hashimoto Ryataro.

Năm 1996, Đảng Shinto Sakigake cải tổ thành Đảng Dân chủ. Naoto Kan cùng Yukio Hatoyama trở thành đồng Chủ tịch Đảng và ông giữ vị trí này cho đến năm 1999. Năm 2002, ông Kan lần thứ hai làm Chủ tịch DPJ và ở vị trí này đến năm 2003 khi Đảng Tự do được nhập vào DPJ.

Tháng 8/ 2009, DPJ giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử hạ viện. Nội các DPJ được thành lập và Naoto Kan trở thành nhân vật số 2 trong nội các sau Thủ tướng. Ông là quốc vụ khanh phụ trách chiến lược quốc gia kiêm bộ trưởng đặc biệt của văn phòng nội các phụ trách chính sách kinh tế, tài chính, khoa học và công nghệ.

Từ lúc là Bộ trưởng Y tế vào giữa thập niên 90, ông Naoto Kan đã được cảm tình của người dân Nhật Bản vì đã nhìn nhận sai lầm của chính phủ trong vụ máu có nhiễm HIV. Ông đảm nhận chức Bộ trưởng Tài chính vào tháng 1 vừa qua và đã bênh vực cho chính sách một đồng Yen yếu, thúc đẩy việc cắt giảm chi tiêu ngân sách cũng như tăng thuế nhằm tránh cho nợ công của Nhật Bản khỏi tăng vọt.

Việc ông Hatoyama bất ngờ từ chức đã kéo dài thêm những chuỗi ngày bất ổn trên chính trường đất nước Mặt Trời mọc và đe dọa vận mệnh chính trị của DPJ, ngay trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào ngày 11/7 tới. Vì vậy, Naoto Kan được nhiều nhà phân tích gọi là niềm hy vọng lớn nhất của DPJ trong nỗ lực khôi phục vào niềm tin với khả năng dẫn dắt chính phủ và đưa ra lộ trình có thể tồn tại được cho tương lai của đảng này.

Trước đây, ông Naoto Kan đã hối thúc ngân hàng trung ương nỗ lực hơn để chống lại tình trạng giảm phát và có vẻ tích cực hơn ông Hatoyama trong việc ủng hộ tăng 5% thuế doanh thu trong tương lai để trang trải cho các chi phí phúc lợi xã hội đang ngày càng căng phồng. Mặc dù ông Naoto Kan rất thiếu kinh nghiệm về các vấn đề ngân sách và thuế, song ảnh hưởng của ông trong nội bộ DPJ có thể mang lại cho ông nhiều lợi thế hơn các nhân vật khác trong việc thu hút sự ủng hộ của đảng này, giúp tiến trình hoạch định chính sách trở nên suôn sẻ hơn.

 ... và thách thức với tân thủ tướng

Tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt với những vấn đề gai góc mà các chính quyền tiền nhiệm từng vấp phải. Đó vẫn là vấn đề Futenma, những lựa chọn cực kỳ khó khăn trong việc làm thế nào để lãnh đạo nền kinh tế lớn thế 2 thế giới này – với gánh nặng nợ công khổng lồ, tốc độ tăng trưởng uể oải và tình trạng dân số lão hóa trong khi tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Đặc biệt, nhiệm vụ nặng nề trước mắt là làm thế nào để lãnh đạo DPJ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới trong bối cảnh uy tín của đảng này đang bị lung lay.

Nhưng trước tiên, Naoto Kan sẽ phải có bài phát biểu về chính sách vào đầu tuần tới, ngày 7/6, và trả lời các chất vấn từ phía các đại diện đảng đối lập và cầm quyền trong phiên họp quốc hội ngày 9/6. Theo nhận định của các chuyên gia, quyết định từ chức của ông Hatoyama có thể làm trì hoãn kế hoạch của chính phủ Nhật Bản trong tháng 6 này công bố chiến lược phát triển kinh tế và các mục tiêu tài chính.

Sau đó là cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng tới, mà DPJ đang có nguy cơ bị mất quyền kiểm soát đa số dẫn tới hậu quả không còn trong thế chủ động để thông qua các dự luật và quyết sách nữa. Gánh nặng đang đặt trên vai nhà lãnh đạo mới, với nhiệm vụ phải nhanh chóng cải thiện hình ảnh đã kém long lanh của đảng cầm quyền – sau một loạt những lời hứa chưa được thực hiện của nhà lãnh đạo tiền nhiệm Hatoyama. Cuộc bầu cử này được coi là cuộc trưng cầu ý dân về cách điều hành chính phủ của đảng Dân chủ kể từ khi giành chiến thắng ấn tượng trước đảng bảo thủ cầm quyền suốt hơn 50 năm qua vào tháng 8 năm ngoái.

Tuy là người nổi tiếng nghiêm túc trong các quy tắc tài chính, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Naoto Kan sẽ phải chật vật trước khoản nợ công khổng lồ hiện đã chiếm gần 200% GDP và có xu hướng tiếp tục tăng trong 5 năm tới. Thủ tướng mới của Nhật Bản phải hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn nợ công gia tăng và triển khai những biện pháp đẩy lùi giảm phát, vốn đang bị trì hoãn do tình hình chính trị bất ổn ở nước này sau khi Thủ tướng Yukio Hatoyama từ chức. Hôm qua, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng 3%, một phần nhờ tin tức về khả năng ông Naoto Kan sẽ lên làm thủ tướng.

Mặc dù trong 4 năm gần đây, Nhật Bản đã có tới 4 thủ tướng, nhưng sự từ chức của ông Hatoyama là đáng chú ý hơn do nó có gắn với một vấn đề, đó là lời hứa hẹn, sau đó lại thất hứa, về việc di chuyển căn cứ Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa. Nhưng sau khi ông Hatoyama từ chức, Mỹ khẳng định Nhật Bản là một trong những "người bạn tốt nhất" của Mỹ trên thế giới và quan hệ hai nước sẽ không bị ảnh hưởng. Còn tại Bắc Kinh, Trung Quốc tuyên bố sẽ hợp tác với Nhật Bản để tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nhật vì lợi ích chung.

Nguyễn Viết