1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhận diện chiến lược của Trung Quốc qua cuộc gặp với Taliban ở Thiên Tân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cả Trung Quốc và lực lượng Taliban tại Afghanistan đều có những tính toán riêng khi gặp nhau hồi tuần trước, trong bối cảnh Mỹ bắt đầu rút quân khỏi quốc gia nằm ở Trung Á.

Nhận diện chiến lược của Trung Quốc qua cuộc gặp với Taliban ở Thiên Tân - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp phó thủ lĩnh Taliban Mullah Baradar Akhund hôm 28/7 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc).

Chiến lược của Trung Quốc

Hai ngày sau khi phái đoàn của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman rời Thiên Tân, Trung Quốc, một nhóm đại diện của Taliban ngày 28/7 đã tới thành phố này để gặp đại diện của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị. Phía Taliban cho hay, đoàn đại diện của nhóm do phó thủ lĩnh Mullah Baradar Akhund dẫn đầu đến Trung Quốc theo lời mời của giới chức quốc gia Đông Á.

Theo giới quan sát, đây có thể được xem là một thông điệp rõ ràng từ Bắc Kinh rằng họ sẽ xây dựng chiến lược của riêng mình với nước láng giềng Afghanistan.

Trong bối cảnh hạn chót tháng 9 để Mỹ rút quân sắp tới gần, quan hệ giữa Trung Quốc và Taliban dường như đã được nâng cấp lên, với việc Bắc Kinh bảo đảm sẽ ủng hộ vai trò của Taliban trong nền an ninh và công cuộc tái kiến thiết Afghanistan.

"Taliban là lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt ở Afghanistan, và có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải và tái thiết ở Afghanistan", Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Taliban.

Cuộc hội đàm diễn ra tại ở chính khách sạn ở Thiên Tân, nơi Thứ trưởng Sherman đã gặp Ngoại trưởng Vương Nghị 2 ngày trước đó. Bà Sherman khi đó đã kêu gọi Bắc Kinh hợp tác với Mỹ trong các vấn đề khu vực, bao gồm Afghanistan và Iran. 

"Việc Mỹ và NATO rút quân cơ bản là thể hiện chính sách của Mỹ ở Afghanistan đã không thành công", ông Vương nói, nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc với tình hình Afghanistan là duy trì các nguyên tắc "do Afghanistan làm chủ" và "do Afghanistan lãnh đạo", đồng thời phản đối sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài.

Giới chuyên gia ngoại giao Trung Quốc nhận định rằng, nước này còn cách rất xa viễn cảnh thừa nhận Taliban là chính phủ hợp lệ tại Afghanistan, nhưng Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị cho khả năng Taliban sẽ tiếp quản đất nước nếu nỗ lực hòa giải dân tộc với chính phủ Afghanistan không thành. Việc duy trì quan hệ gần gũi với Taliban được Trung Quốc xem là rất quan trọng trong việc thực hiện nỗ lực chống khủng bố và duy trì lợi ích kinh tế trong khu vực.

Gu Dingguo, chuyên gia từ đại học Sư phạm Hoa Đông, cho rằng: "Taliban có thể giữ vai trò đặc biệt nhằm kiềm chế mối đe dọa an ninh gây ra bởi Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) với Trung Quốc, do mối quan hệ giữa Taliban và ETIM".

Trung Quốc cáo buộc ETIM là nhóm đứng sau các vụ tấn công ở Tân Cương. Tại Thiên Tân, ông Wang đã đề nghị Taliban cắt đứt quan hệ với ETIM. Phát ngôn viên Taliban Mohammad Naeem cho biết, lãnh đạo Baradar của họ đã cam kết rằng lãnh thổ của Afghanistan sẽ không được dùng để thực hiện các kế hoạch gây đe dọa tới an ninh quốc gia Trung Quốc.

Ngoài ra, theo chuyên gia Gu, việc Taliban và chính phủ Afghanistan có thể hòa giải là mục tiêu quan trọng mà Bắc Kinh hướng tới vì nó sẽ giúp ích cho sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc triển khai ở Trung Á. Nếu tình hình bất ổn ở Afghanistan lan sang khác nước khác, điều đó sẽ trở thành mối đe dọa với kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc.

Mục đích của Taliban

Với Taliban, việc xây dựng quan hệ với Trung Quốc là một trong những bước đi nhằm thiết lập tính chính danh của lực lượng này.

Trong khi đó, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức RAND (Mỹ), nhận định rằng Trung Quốc sẽ mong muốn một kết cục thỏa mãn được 2 lợi ích quốc gia của họ, bao gồm duy trì ổn định ở Tân Cương và tiếp cận được nguồn tài nguyên tự nhiên ở Afghanistan. Một nghiên cứu năm 2014 chỉ ra rằng, lượng tài nguyên thiên nhiên dưới các ngọn núi ở Afghanistan ước tính vào khoảng gần 1.000 tỷ USD.

Ông Grossman cho rằng, việc Taliban tăng cường quan hệ với Trung Quốc là vì họ không muốn Bắc Kinh bắt tay với bên khác, ví dụ như Pakistan, trong nỗ lực nhằm kiềm tỏa Taliban.

Ngoài ra, chuyên gia Gu cho rằng, Taliban cần Trung Quốc hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các cuộc đối thoại hòa giải dân tộc với chính phủ Afghanistan và công cuộc tái thiết kinh tế nếu Taliban lên nắm quyền.

Yan Wei, chuyên gia tại đại học Tây Bắc Trung Quốc, nhấn mạnh rằng việc Bắc Kinh và Taliban xây dựng quan hệ là cần thiết với cả đôi bên, vì tầm ảnh hưởng của Taliban ở Afghanistan. Tuy nhiên, ông Yan cho rằng, Trung Quốc vẫn đang có sự thận trọng nhất định về Taliban và sự kết nối giữa 2 bên vẫn còn hạn chế.

Cả chuyên gia Yan và Gu đều nhận định, mong muốn lớn nhất của Trung Quốc với Afghanistan không phải là Taliban lên nắm quyền lực tuyệt đối, mà là sự hòa hợp dân tộc giữa Taliban và bên đối lập. Điều này được xem sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực giáp Trung Quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm