1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà Trắng: Không có dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Nhà Trắng: Không có dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân - 1

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre (Ảnh: Reuters).

Trong bình luận đưa ra ngày 4/10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo về vũ khí này.

Ông Putin hôm 21/9 tuyên bố, Nga sẽ sử dụng "toàn bộ sức mạnh vũ khí", tức là bao gồm vũ khí hạt nhân, nếu "toàn vẹn lãnh thổ" bị đe dọa.

Phương Tây cho rằng, bình luận trên khiến cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua càng leo thang, nhất là sau khi Nga ra lệnh động viên một phần để bổ sung lực lượng cho chiến sự ở Ukraine.

"Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh vị thế hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho điều đó", Thư ký báo chí Jean-Pierre nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Nhiều chuyên gia quân sự cũng cùng nhận định như vậy.

Chuyên gia quân sự Mark Cancian, thuộc Chương trình An ninh quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ), cho rằng, Nga nhiều khả năng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trên tiền tuyến.

Theo ông Cancian, có thể mất đến 20 quả bom hạt nhân nhỏ mới tiến thêm khoảng 30 km trên các mặt trận. Đây là thành quả quá nhỏ so với nguy cơ khổng lồ mà việc dùng vũ khí hạt nhân và các hậu quả mà nó gây ra.

Trên thực tế, tuyên bố về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga cũng khiến phương Tây đã phải cân nhắc về khả năng đáp trả.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, phương Tây sẽ không có lựa chọn nào mà phải đáp trả, và toàn bộ khối NATO phải cùng phản ứng chứ không phải một mình Mỹ.

Nhưng theo các chuyên gia, phương Tây vẫn mơ hồ về cách phản ứng với một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, và các lựa chọn rất phức tạp.

Mỹ và NATO không muốn tỏ ra yếu ớt trước mối đe dọa hạt nhân tiềm ẩn. Nhưng họ cũng muốn tránh khả năng cuộc xung đột ở Ukraine leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, trong khi Ukraine không phải là thành viên NATO.

Theo Reuters