1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà thổ trẻ con ở Bangladesh và bí mật thuốc “vỗ béo” bò

(Dân trí) - Mặt chát bự phấn, những bé gái mặc quần soóc, áo chẽn bó sát và cả áo váy ngủ lang thang trong những con hẻm bẩn thỉu, cười nói, ra hiệu cho khách hàng tiềm năng lượn quanh khu đèn đỏ nổi tiếng Kandapara khi trời nhập nhoạng tối.

 

Nhà thổ trẻ con ở Bangladesh và bí mật thuốc “vỗ béo” bò

 

Không thiếu đàn ông tìm kiếm “bạn” ở khu ổ chuột Kandapara của thành phố Tangail, một mê cung chằng chịt những ngõ hẻm nhó xíu, chen giữa những căn lều lợp mái tôn, nằm cách thủ đô Dhaka của Bangladesh vài giờ lái xe.

 

Với cái giá bèo, chỉ 50 taka (S$0.75), nên các em cần phải kiếm được càng nhiều khách càng tốt. Các lao động trẻ con trong ngành tình dục này thậm chí còn bị đẩy vào “trào lưu” khá nguy hiểm để “nâng cấp” diện mạo của mình.

 

“Có sự khác biệt lớn giữa ngoại hình của tôi giờ đây với vẻ ngoài suy dinh dưỡng của tuổi thơ trước kia”, Hashi, 17 tuổi, cho biết. Cô bé bị một kẻ buôn người đẩy vào con đường bán dâm khi mới 10 tuổi. Khi bị bán vào nhà thổ Kandapara, cũng là lúc cô bé bắt đầu phải uống thuốc steroid (kích thích hoocmon).

“Tôi thấy khỏe hơn trước và phổng phao hơn, để có thể phục vụ nhiều khách một ngày. Có khi là tới 15 người/ngày”, cô cho biết, khi chấm nốt ruồi đen lớn (thường thấy ở phụ nữ Hindu) lên giữa cặp lông mày được tỉa tót cẩn thận.

 

Cô bé ngồi trong căn phòng nhỏ xíu của mình, với một chiếc giường, một bếp nấu và những tấm poster ngôi sao Bollywood giăng khắp tường.

 

Hashi chỉ là một trong khoảng 900 gái mại dâm, với một số em mới 12 tuổi, sống cuộc sống đầy tủi nhục, bị lạm dụng ở Kandapara. Họ không chỉ bị chìm ngập trong đống nợ nần, trong nỗi sợ về vết nhơ tủi nhục, mà còn bị ép buộc phải uống thuốc steroid, Oradexon, loại thuốc mang lại cho các em thêm được chút thu nhập, nhưng cùng với đó là rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

 

Thuốc “vỗ béo” bò

 
Nhà thổ trẻ con ở Bangladesh và bí mật thuốc “vỗ béo” bò
Hashi và "chồng" trong căn phòng nhỏ của mình ở khu đèn đỏ Kandapara

Được biết đến là Dexamethasone, Oradexon điều trị viêm nhiễm và dị ứng ở người và cũng được nông dân sử dụng để vỗ béo cho gia súc của mình.

 

Các tổ chức từ thiện cho biết 90% lao động tình dục ở Kandapara uống loại thuốc có thể mua bán dễ dàng này. Ngoài ra 14 nhà thổ hợp pháp khác trên khắp đất nước Nam Á nghèo Bangladesh cũng sử dụng.

 

Các cô gái đầu tiên bị “mẹ” hay “sardarnis” – người quản lý nhà thổ, ép uống. Thuốc sẽ khích thích ngon miệng, làm cho họ tăng cân nhanh chóng và cho các bé gái nghèo dinh dưỡng có vẻ ngoài trông khỏe mạnh và già dặn hơn, để hấp dẫn được khách hàng hơn, bởi khách thường thích những cô gái có “đường cong”.

 

Thuốc cũng giúp sardarnis tránh được rắc rối với cảnh sát, vì tuổi được phép làm việc trong ngành tình dục ở Bangladesh là 18.

 

Các bé gái sau đó tiếp tục dùng thuốc, vì thấy thuốc làm cho họ “khỏe hơn”, rồi đổi lại giúp cho họ tiếp được nhiều khách hơn trong một ngày, đủ để họ sống qua ngày.

 

“Sardarni của tôi ép tôi uống một viên. Bà đánh tôi túi bụi và không cho tôi ăn. Bà dọa nạt tôi và nhắc tôi về khoản nợ”, Hashi, cho biết. Hashi đã có một cậu con trai 4 tuổi, nhưng cậu bé đang sống với người thân của cô. Hai năm nay, cô chưa được gặp con.

 

“Ở nhà thổ này, khách hàng luôn tìm những cô gái khỏe mạnh. Tôi uống Oradexon. Tôi cần khách hàng để có thể trả hóa đơn và nợ nần. Nếu tôi không kiếm đủ khách trong một ngày, thì ngày hôm sau tôi không thể ăn. Tôi ước có thể tiết kiệm được ít tiền cho con trai.”

 

Câu chuyện của Hashi cũng giống như hầu hết câu chuyện của các lao động tình dục tuổi “teen” hay “chukris” ở Kandapara.

 

Họ bị gia đình nghèo của họ bán cho những kẻ buôn người với giá chỉ 20,000 taka ($245), rồi sau đó họ được bán cho các mẹ ở nhà thổ, những người cũng từng là gái mại dâm.

 

Các bé gái cho biết phải tiếp tới 15 người trong một ngày, nhưng thu nhập của họ bị các “mẹ” móc hết. Họ phải làm việc để trả cho số tiền mà các “mẹ” đã bỏ ra để mua họ.

 

Nhiều bé gái đã ở nhà thổ Kandapara trong suốt nhiều năm và do không được học hành, nên họ cũng không biết liệu khoản nợ của họ có được xóa bỏ và quyền lợi của họ là gì.

 

Còn những cô gái bị các “mẹ” bỏ rơi bởi họ đã quá già hoặc không kiếm được tiền, được phép tự do rời đi. Song họ đã chọn ở lại, do sợ phải đối mặt với sự tẩy chay của xã hội Hồi giáo bên ngoài Kandapara.

 

Cuộc chiến với nhà thổ

 

Các cô gái cho biết Oradexon giúp cho họ sống, mặc dù họ biết thuốc có nhiều tác hại khi dùng lâu. Steroid có thể gây đái đường, huyết áp cao, ngứa ngáy, đau đầu và gây nghiện cao.

 

Thuốc cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bệnh nhân dễ bị ốm hơn. Cũng đã có trường hợp lao động tình dục trẻ bị chết vì dùng thuốc này quá liều.

 

Viên thuốc màu trắng nhỏ có thể dễ dàng kiếm ở các khu ổ chuột của Kandapara. Thuốc được bán mà không cần kê đơn, với giá 15taka (18 xu Mỹ) cho một vỉ 10 viên ở các quầy bán trà, thuốc lá.

 

“Steroids là thuốc cứu mạng và cũng là thuốc hủy hoại mạng sống, thường được gái mại dâm ở những nước nghèo sử dụng”, Shipra Gowshami, luật sư và nhà hoạt động nhân quyền cho lao động tình dục ở các nhà thổ tại thành phố Faridpur, miền trung Bangladesh cho hay.

 

“Nguyên nhân vì sao thuốc này bị lạm dụng là do sự thiếu hiểu biết, sẵn có và sự tùy tiện”, Gowshami cho hay.

 

Năm 2010, ActionAid Bangladesh đã bắt đầu chiến dịch nâng cao hiểu biết về loại thuốc này cho các lao động tình dục. Nhưng họ cho biết họ phải đối mặt với một cuộc chiến dài lâu khi thuyết phục không chỉ nhà thổ dừng dùng mà còn cả giới chức trách để kiểm soát thuốc.

 

“Đã có nỗ lực để tăng sự nhận biết về tác hại xấu của dùng thuốc, song những người chủ nhà thổ, các “mẹ” và ma cô vẫn chưa thể dừng một sớm một chiều”, Farah Kabir, giám đốc chương trình ActionAid Bangladesh cho biết.

 

“Chúng tôi đã có một cuộc chiến khó khăn và vẫn chưa giành được thắng lợi. Cần phải có quy định chặt chẽ hơn nữa về việc bán loại thuốc này. Chính phủ và các bang phải vào cuộc mạnh hơn”.

 

Phan Anh

Theo Reuters