1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà khoa học nước ngoài duy nhất từng ở Viện Virus Vũ Hán lên tiếng

Minh Phương

(Dân trí) - Một nhà khoa học người Australia từng làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán, lần đầu tiên lên tiếng với truyền thông giữa lúc giới khoa học lật lại giả thuyết về nguồn gốc Covid-19.

Nhà khoa học nước ngoài duy nhất từng ở Viện Virus Vũ Hán lên tiếng - 1

Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Nhà virus học Australia Danielle Anderson làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán trong một thời gian đến cuối tháng 11/2019, vài tuần trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2019. Mới đây, qua cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, nhà khoa học này đã lần đầu tiên lên tiếng về nội tình ở Viện Virus học Vũ Hán cũng như giả thuyết về nguồn gốc Covid-19.

Là chuyên gia nghiên cứu về virus trên loài dơi, bà Anderson là nhà khoa học ngoại quốc duy nhất từng tiến hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm BSL-4 (phòng thí nghiệm với an toàn sinh học cấp độ 4) của Viện Virus học Vũ Hán. Bà hợp tác với các nhà khoa học Vũ Hán từ năm 2016. Nghiên cứu gần đây nhất của bà tại Viện Virus học Vũ Hán là về virus gây dịch Ebola và kết thúc vào tháng 11/2019. Nhờ đó, bà được cho là nắm rõ nội tình ở nơi bị coi là trung tâm của nghi vấn virus gây Covid-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở đây.

Đầu năm nay, giới khoa học và chính khách Mỹ bất ngờ lật lại giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước đã chỉ thị cho cộng đồng tình báo nỗ lực gấp đôi để đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn về nguồn gốc Covid-19. Chỉ thị được đưa ra sau khi Thời báo phố Wall đăng tải một báo cáo tình báo nói rằng, 3 nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện với các triệu chứng giống Covid-19 hồi tháng 11/2019.

Nhà khoa học nước ngoài duy nhất từng ở Viện Virus Vũ Hán lên tiếng - 2

Nhà virus học Australia Danielle Anderson (Ảnh: BI).

Tuy nhiên, bà Anderson nói với Bloomberg rằng, bà không thấy bất cứ nhân viên nào của Viện Virus học Vũ Hán đổ bệnh vào thời gian đó. "Nếu có ai mắc bệnh (Covid-19), thì tôi có lẽ cũng bị nhiễm bệnh, nhưng thực tế thì không. Tôi đã làm xét nghiệm Covid-19 ở Singapore trước khi tiêm chủng và tôi chưa từng mắc Covid-19", bà Anderson cho biết.

Sau khi hoàn thành nghiên cứu về Ebola, đến tháng 12/2019, bà Anderson gặp lại một số đồng nghiệp của Viện Virus học Vũ Hán tại một hội nghị ở Singapore và họ không đề cập đến bất cứ chuyện bất thường nào ở trung tâm. Nhà khoa học Australia cho biết thêm, bà không tin virus gây đại dịch Covid-19 thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán bởi vì các quy định an toàn ở đó rất nghiêm ngặt, "không như người ngoài tưởng tượng". Theo lời của bà Anderson, bà và các đồng nghiệp phải hoàn thành 45 giờ đào tạo tích cực mới được làm việc độc lập tại phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng không thể loại trừ khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm khi điều tra nguồn gốc của đại dịch. Theo bà, việc điều tra là cần thiết để truy nguồn gốc đại dịch vì lợi ích của tất cả mọi người.

Mỹ và các nước đồng minh đến nay cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch mặc dù Bắc Kinh đã cho phép các nhà điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu đến Vũ Hán - tâm dịch đầu tiên trên thế giới - điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi tháng 2 năm nay. Sau chuyến điều tra này, các chuyên gia đưa ra 4 giả thuyết, trong đó giả thuyết virus lây từ động vật nhiễm bệnh sang người là "nhiều khả năng nhất", ngược lại giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là "rất khó xảy ra".

Cho rằng kết quả điều tra của nhóm chuyên gia WHO chưa thỏa đáng, một số nước đã kêu gọi WHO tiến hành giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra, trong đó có xét đến giả thuyết virus gây đại dịch thoát ra từ phòng thí nghiệm. Trung Quốc đã phản đối đề nghị này, đồng thời bác bỏ nghi vấn virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.