1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà giàu Trung Quốc rục rịch "trả lại của cải cho xã hội"

Minh Phương

(Dân trí) - Sau lời kêu gọi "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giới giàu có ở đất nước tỷ dân này đã bắt đầu hào phóng hơn với các hoạt động từ thiện.

Nhà giàu Trung Quốc rục rịch trả lại của cải cho xã hội - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa xã)

Khái niệm "thịnh vượng chung" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu hôm 17/8 trước Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Ông Tập nói rằng, chính phủ nước này cần thiết lập một hệ thống phân bổ lại tài sản vì mục tiêu "thịnh vượng chung" giúp Trung Quốc trở thành quốc gia "phát triển, giàu có và hùng mạnh" vào năm 2049.

Mặc dù khái niệm trên đã được đề cập đến trong các hội nghị của CCP năm 2019 và 2020 và cả trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025, nhưng chỉ đến khi xuất hiện trong lời kêu gọi mới đây của ông Tập Cận Bình, cụm từ này mới gây được nhiều sự chú ý.

Kể từ đó, giới doanh nhân Trung Quốc bắt đầu bận rộn với việc dành ra những khoản đặc biệt cho chương trình thịnh vượng chung, hỗ trợ tài chính để giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt ra hoài nghi liệu sự thay đổi này có thể mang lại hiệu quả để giảm bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc hay không.

"Khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp lớn làm từ thiện, họ sẽ làm vậy cho đến khi nào không còn cần nữa. Nhưng những khoản tài trợ đó trước hết là vì mục đích bảo vệ chính họ, còn việc những khoản tiền đó được sử dụng làm gì, như thế nào chỉ là thứ yếu", Steve Tsang, giám đốc tại Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học London, nhận định.

Giới công nghệ cảm nhận "sức nóng"

Nhà giàu Trung Quốc rục rịch trả lại của cải cho xã hội - 2

Giới doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu cảm nhận được "sức nóng" từ kêu gọi thịnh vượng chung (Ảnh minh họa: SCMP).

Ernan Cui, chuyên gia phân tích tại Gavekal Dragonomics ở Hong Kong, cho rằng nhiều người làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc tin rằng, lời kêu gọi của ông Tập là nhắm vào họ. "Nhận thấy sức ép, nhiều tỷ phú công nghệ đã bắt đầu gia tăng các hoạt động từ thiện trong năm nay", bà Cui nói.

Năm ngoái, tổng số tiền từ thiện của 100 doanh nhân trong danh sách tỷ phú Trung Quốc làm từ thiện do Forbes thống kê là hơn 24,5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3,8 tỷ USD), tăng 37% so với năm trước đó. Trong đó, số tiền từ thiện của các mạnh thường quân trong lĩnh vực công nghệ chiếm tới 7,8 tỷ Nhân dân tệ, hay 32%, nhiều nhất trong các nhóm ngành.

Riêng 8 tháng đầu năm nay, 5 tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc cam kết dành tặng ít nhất 13 tỷ USD tài sản cá nhân hoặc doanh nghiệp cho các quỹ hoặc sáng kiến từ thiện.

Brock Silvers, giám đốc đầu tư tại Quỹ Kaiyuan Capital ở Hong Kong, hoài nghi liệu sự hào phóng đó có thể kéo dài bao lâu trước khi các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư phương Tây, bắt đầu chuyển hướng vì lo ngại hàng tỷ USD bị bòn rút từ cổ đông.

Không chỉ doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, doanh nhân ở các lĩnh vực khác cho biết họ cũng cảm thấy sức ép tương tự khi đưa ra mục tiêu thịnh vượng chung.

Để xoa dịu lo ngại, báo People's Daily hồi tháng 9 đăng bài xã luận nói rằng quy định mới không nhằm gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh và vị thế của các doanh nghiệp tư nhân vẫn được duy trì. Một quan chức cấp cao của Trung Quốc trước đó cũng khẳng định, thịnh vượng chung không có nghĩa là "lấy của người giàu chia cho người nghèo". Mặc dù vậy, có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc có thể áp thuế tài sản, thừa kế để giảm chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm