Điều gì xảy ra với "thịnh vượng chung" ở Trung Quốc: Giàu lên hay nghèo đi?
(Dân trí) - Trên khắp Trung Quốc, cụm từ "thịnh vượng chung" đang trở thành một chủ đề bàn tán trong mọi thành phần dân cư, từ tầng lớp giàu có, thượng lưu đến tầng lớp nông dân, công nhân.
"Nó có nghĩa là gì?", "nó sẽ ảnh hưởng đến tôi ra sao?"
Mối quan tâm của họ rất khác nhau nhưng cùng chung nhiều câu hỏi như: "Nó có nghĩa là gì?", "nó hoạt động như thế nào", "nó sẽ ảnh hưởng đến tôi ra sao?".
Steve Xie và Huang Weijie là hai chủ doanh nghiệp tư nhân ở Chiết Giang và Quảng Đông. Tuy họ sống cách nhau hơn 1.000 km và không hề biết nhau nhưng lại có cùng mối quan tâm đó là việc Bắc Kinh thúc đẩy việc phân bổ của cải đồng đều hơn trong nước.
Doanh nghiệp của họ cũng đang ở hai trạng thái đối lập nhau: một bên làm ăn phát đạt, một bên đang chật vật trong khó khăn. Nhưng cả hai đều đang suy đoán về chiến lược thịnh vượng chung có nghĩa như thế nào đối với tương lai của họ, doanh nghiệp của họ và những khoản đầu tư mà họ đã đổ vào trong nhiều năm. Những cuộc bàn tán về chủ đề này đang diễn ra trên khắp Trung Quốc.
Xie - người đang điều hành một doanh nghiệp xuất khẩu vải "ăn nên làm ra" trong nhiều năm tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang cho biết, các doanh nhân đang bàn tán về chủ đề này.
"Tất cả chúng tôi đang nói đùa rằng những ngày này các quan chức tỉnh Chiết Giang và các tỷ phú đang ẩn mình, họ ước gì mọi người quên đi sự tồn tại của họ", Xie nói và cho biết thêm: "Những ai trong chúng tôi sở hữu biệt thự, căn hộ lớn hạng sang ở Chiết Giang chắc chắn sẽ bị chính phủ kiểm tra về tài sản trong ngân hàng, việc nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp cũng như xem xét nguồn tiền đến từ đâu".
Tuy nhiên, hầu hết dân chúng, đặc biệt là người nghèo, tầng lớp lao động có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch này lại không mảy may lo ngại. Theo SCMP, Trung Quốc hiện có khoảng 200 triệu người sống với mức thu nhập hàng tháng dưới 2.000 nhân dân tệ (tương đương 309 USD).
Mặc dù chủ trương "thịnh vượng chung" của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ lớn, đặc biệt trên mạng xã hội, song nhiều người vẫn bày tỏ sự hoài nghi và lo ngại về chính sách công mới này cũng như những tác động đối với kinh tế và xã hội của nó.
Mô hình mẫu ở Chiết Giang
Tỉnh Chiết Giang, với hơn 64,5 triệu người, hồi tháng 7 đã khởi động một chương trình thử nghiệm được thiết kế để đạt sự thịnh vượng chung vào năm 2025. Chương trình thử nghiệm này sẽ đưa thu nhập khả dụng của người dân tăng lên 75.000 nhân dân tệ (tương đương 11.600 USD) mà vẫn đảm bảo tầng lớp trung lưu chiếm ít nhất 80% dân số. Bắc Kinh hy vọng kế hoạch này có thể được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc vào năm 2035.
Điều đó cũng có thể diễn ra ở Quảng Đông, nơi Huang - một nhà sản xuất hàng may mặc nhỏ ở tuổi 40 đã buộc phải tạm ngừng kinh doanh và trở về quê sau khi doanh số bán hàng trong nước và quốc tế giảm trầm trọng trong 2 năm qua. Ông hy vọng việc thúc đẩy thịnh vượng chung sẽ mang đến những hỗ trợ về mặt tài chính cho khu vực nông thôn, nơi nhiều người lớn tuổi trở về sau nhiều năm ở thành thị làm công nhân nhập cư trong các nhà máy.
"Ngày càng khó tìm công nhân sản xuất ở các thành thị. Gần đây, tôi đọc được nhiều tin tức nói về sự thịnh vượng chung và tôi muốn được chứng kiến một sự thúc đẩy lớn đối với các nhà máy ở nông thôn như mô hình công nông nghiệp với khu công nghiệp ở trung tâm, bao quanh là các vườn ăn trái và các trang trại được cơ giới hóa", ông nói.
Ông cho rằng, các tập đoàn lớn ở thành thị sẽ có phản ứng lớn nhưng ông vẫn mong muốn "người nông thôn chúng tôi chắc chắn muốn các nguồn lực đầu tư vào nông thôn".
Trong một bài báo vào cuối tháng trước, ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Morgan Stanley, đã mô tả "thịnh vượng chung" là sự thay đổi trong khuôn khổ quản trị kinh tế của Trung Quốc.
Ông Xing nói, khi phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng như áp lực lớn do dân số giảm nhanh, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trong bối cảnh xu hướng chống toàn cầu hóa đang lan rộng, Bắc Kinh đã hướng nền kinh tế Trung Quốc sang tăng trưởng chậm hơn, chú trọng về bình đẳng xã hội và sự an toàn của đất nước.
Do đó, tương lai có thể sẽ có một số quy định thay đổi, bao gồm lĩnh vực bất động sản và sẽ có yêu cầu lớn hơn đối với các doanh nghiệp địa phương trong hoạt động từ thiện và trách nhiệm xã hội.
Doanh nghiệp cảnh giác với "thịnh vượng chung"
Ngược lại với Huang, việc kinh doanh phát đạt của ông Xie có thể bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ra sao thì chưa rõ. Theo một quan chức ở Chiết Giang, những gì họ được nói về việc thúc đẩy thịnh vượng chung không có nghĩa "lấy của người giàu chia cho người nghèo".
"Chiết Giang thực sự có nền kinh tế tư nhân phát triển tốt và chính quyền địa phương rất hiếm khi xuống kiểm tra thuế và kiểm soát hoạt động của chúng tôi", ông nói và cho rằng: "Nhưng bây giờ các quan chức cấp cao địa phương và những gã khổng lồ fintech bị điều tra khiến mọi người ở đây đều hoảng sợ".
"Nhiều thị trấn ở đây rất giàu với giá trị sản lượng hàng năm lên đến hàng chục tỷ nhân dân tệ. Giờ đây, Chiết Giang đang trở thành hình mẫu của quốc gia về sự thịnh vượng chung, điều đó có nghĩa chúng tôi phải đóng góp nhiều hơn cho Nhà nước. Ngoài ra, mỗi thị trấn được yêu cầu phát triển thành một thành phố nhỏ, điều này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn", ông nói.
Bà Zheng Yue - giám đốc điều hành cấp cao của một công ty chuyên về giám sát video có trụ sở ở Thâm Quyến - cũng lo ngại: "Nói thật, chúng tôi phải cảnh giác về sự thịnh vượng chung. Các công ty tư nhân sẽ cảm thấy không chắc chắc về những hoạt động kinh doanh của họ trong tương lai vì điều đó".
"Để đạt được sự thịnh vượng chung cần phải có một nền tảng vững chắc và điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tỷ suất lợi nhuận hợp lý mới có thể tồn tại được", bà nói và cho rằng: "Là các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc, chúng tôi đều rất thực tế. Chúng tôi sẽ thu về bao nhiêu lợi nhuận sau khi trừ chi phí nhân công, thiết bị, nguyên liệu, thuế và phí".
Bà Zheng Yue cũng đồng ý rằng để đạt được sự thịnh vượng chung đòi hỏi phải hỗ trợ thêm cho nông nghiệp và các dịch vụ công như giáo dục và y tế.
Nhưng số tiền hỗ trợ này đến từ đâu? "Chắc chắn là đến từ các doanh nghiệp địa phương", bà nói và cho rằng: "Chính sách thịnh vượng chung chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, bởi chi phí lao động như bảo hiểm xã hội và tiền lương cơ bản sẽ tăng lên".
"Công ty chúng tôi trong hai năm qua đã tăng lương cho nhân viên từ 5% lên 15%. Nhưng lợi nhuận đã giảm mạnh so với trước đại dịch do chi phí nguyên liệu thô tăng cao nhưng lại rất khó để tăng giá bán lẻ cho người tiêu dùng".
Đầu tư bất động sản không còn sinh lợi
Trong khi đó, mô hình thịnh vượng chung đang khiến các cá nhân có tài sản ròng cao cảm thấy các bất động sản đầu cơ mà họ sở hữu ở các thành phố hạng nhất không còn là khoản đầu tư sinh lợi như họ đã hưởng trong thời gian qua.
"Cách đây 6 tháng, tôi rất lạc quan về khả năng tăng giá của thị trường bất động sản Thâm Quyến và cho rằng giá sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới. Nhưng các chính sách gần đây đã nhanh chóng thay đổi kỳ vọng của tôi. Ngay cả ở Thâm Quyến có ít khả năng tăng giá bất động sản thì thuế và phí nhà đất cũng sẽ được áp dụng sớm. Và nếu tôi tiếp tục nắm giữ các bất động sản, tôi sẽ phải chịu áp lực thuế phí trong ngắn hạn, trong khi thanh khoản bị co hẹp", bà Zheng nói.
Để đa dạng các khoản đầu tư, bà Zheng cho biết gần đây bà đã bán các bất động sản ở Thâm Quyến trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ và đầu tư vào một nhà máy sản xuất gạch men ở một vùng hẻo lánh ở tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra, bà cũng có kế hoạch đầu tư vào những cổ phiếu ở những lĩnh vực được hưởng lợi từ các chính sách của Trung Quốc trong tương lai.
"Là một cá nhân, tôi không thể đi ngược với những thay đổi của thời đại. Chúng ta nên liên tục tiến hóa phù hợp với tình hình đang phát triển", bà Zheng nói và cho biết: "Điều tôi có thể làm bây giờ là đầu tư một phần vốn vào các lĩnh vực được chính sách hỗ trợ, đồng thời tránh xa những lĩnh vực bị trói chặt bởi chính sách".
Chênh lệch giàu nghèo trong khu vực tư nhân và khu vực công
Nhưng những người không đủ tiền mua dù chỉ là một căn nhà, không quan tâm đến danh mục đầu tư bất động sản thì sao?
Arnold Qiu, một sinh viên tại Quảng Châu, dường như có cái nhìn lạc quan hơn. "Những người trẻ như chúng tôi không biết thịnh vượng chung sẽ mang lại cho chúng tôi điều gì, nhưng chúng tôi cũng không thu được gì từ sự phát triển kinh tế của thế hệ cũ", anh nói và cho biết bố mẹ họ đã chi rất nhiều tiền cho con ăn học và giờ họ phải làm việc hơn 70 giờ/tuần để mua nhà trong khi lo sợ thất nghiệp sau tuổi 35.
Do đó, Qiu muốn thấy sự thịnh vượng chung thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nhân viên làm trong khu vực tư nhân và công chức về phúc lợi xã hội và tiền lương.
"Trong khi các quan chức và công chức về hưu có mức lương hưu ổn định thì người lao động nhập cư và nhân viên trong khu vực tư nhân ở độ tuổi 50 vẫn không thể kiếm được một công việc tử tế", anh nói và cho rằng: "Do đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp như chúng tôi hiện đang đổ xô tìm việc ở trong các bộ máy hành chính công của Trung Quốc".
Tuy nhiên, khu vực tư nhân của Trung Quốc vẫn rất thịnh vượng. Thực tế Trung Quốc hiện có nhiều tỷ phú USD hơn cả Mỹ.
Sự thịnh vượng chung không phải là một ý tưởng mới. Nó bắt đầu từ những năm 1950 dưới thời ông Mao Trạch Đông, sau đó nổi lên vào những năm 1980 dưới thời ông Đặng Tiểu Bình.
Nhưng điều đó không làm cho nhiều người, đặc biệt là tầng lớp giàu có, bớt lo lắng về những gì sắp xảy ra với tiền của họ.
Gần đây, khi thảo luận về sự thịnh vượng chung, ông Xu Shanda - cựu Phó Giám đốc Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc - đã cố gắng xoa dịu những lo ngại đó rằng, không phải người giàu sẽ không được vung tiền vào những món đồ xa xỉ như rượu vang hay du thuyền. Nhưng họ được kỳ vọng sẽ làm nhiều hơn nữa để tạo ra của cải cho xã hội, giúp cải thiện cuộc sống cho những người khác và phù hợp với mục tiêu quốc gia gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Chúng ta có thể cho phép một số người làm giàu trước, sau đó hướng dẫn và giúp đỡ những người khác cùng làm giàu".