1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Khó hình dung nổi sự “leo thang hợp tác hòa bình” Việt-Mỹ

Trao đổi với phóng viên Lao Động, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói rằng, "sự leo thang hợp tác hòa bình" giữa hai nước Việt Nam (VN) và Mỹ đã đem lại lợi ích thiết thực, có lợi cho xu thế hợp tác ở Châu Á - Thái Bình Dương.



Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh Tiền Phong)

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh Tiền Phong)


Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Lao Động nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ thương mại, ông Vũ Khoan nói:

- Trong thời gian qua, quan hệ giữa hai nước có bước tiến vượt bậc, nếu tính rằng cả hai đã trải qua cả một cuộc chiến tranh tàn khốc. Là một trong những người trong cuộc, với tư cách là một cán bộ ngoại giao, thương mại và Chính phủ, thú thật trước đây tôi không thể hình dung nổi sự "leo thang hợp tác hòa bình" như vậy giữa hai "cựu thù". Hai nước đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng, như gỡ bỏ cấm vận năm 1994, thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) năm 2000, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Rõ ràng sự "leo thang" như vậy đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước, có lợi cho xu thế hợp tác ở Châu Á - Thái Bình Dương.

- Theo Phòng Thương mại Mỹ, thương mại hai chiều Việt-Mỹ hiện đạt gần 30 tỉ USD, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994. Ông nhìn nhận về con số này như thế nào?

- Như trên đã nói, khi đi ký BTA với Mỹ vào tháng 7.2000, tôi không hình dung nổi kim ngạch hai chiều lại gia tăng vượt bậc như vậy. Lúc ấy kim ngạch buôn bán Việt-Mỹ chưa đầy 1 tỉ USD, nay là 30 tỉ USD. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của VN và có lợi cho ta vì VN luôn xuất siêu. Đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào VN cũng gia tăng đáng kể.

Theo cách nói phổ biến hiện nay và trên thực tế chúng ta cũng thấy, mặc dù tốc độ và quy mô khá lớn, song vẫn "chưa tương xứng với tiềm năng" hai nước. Điều đó thể hiện ở chỗ, sự hiện diện của Mỹ về đầu tư trực tiếp ở VN còn tương đối nhỏ so với tầm cỡ và trình độ phát triển của nước này. Trong khi đó, VN chưa tranh thủ được nhiều công nghệ nguồn từ phía Mỹ, chưa len chân được vào chuỗi sản xuất và phân phối của Mỹ.

- Dẫu vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, quan hệ Việt-Mỹ vẫn còn những nghi ngại và cách biệt. Đánh giá của ông về lòng tin Việt-Mỹ ra sao?

- Điều dễ hiểu là hai nước vẫn còn tồn tại sự cách biệt về chế độ chính trị - xã hội, về luật lệ và cả văn hóa làm ăn, trong đó đôi khi nảy sinh những tranh chấp thương mại mang tính bảo hộ từ phía Mỹ. Giới đầu tư nước ngoài - trong đó có các doanh nghiệp Mỹ - mong mỏi ta có sự cải thiện hơn nữa về cơ chế, chính sách. Để quan hệ hợp tác hai bên phát triển thuận lợi hơn nữa, điều quan trọng hàng đầu là tạo dựng, củng cố nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tuân thủ những luật chơi chung, cụ thể là những cam kết trong BTA, WTO.

- Chặng đường tới hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là không mấy dễ dàng. Ông đánh giá thế nào về triển vọng ký kết TPP?

- Rõ ràng TPP sẽ là "một bậc thang mới" trong quá trình "leo thang hợp tác". Riêng đối với ta, TPP sẽ góp phần mở rộng hơn nữa thị trường, tranh thủ thêm đầu tư, nhưng cũng sẽ đặt ra không ít thách thức. Do đó, điều cấp bách nhất lúc này là chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện bên trong, tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức thì mới có lợi. Riêng tôi mong sự hiện diện của Mỹ không chỉ là "dịch vụ ăn nhanh" như Kentucky, Starbucks hay McDonald's, mà là những dự án "ăn lâu" về công nghiệp chế tạo, chế biến, nhất là công nghệ cao. Còn đàm phán TPP bao giờ kết thúc thì tôi không có điều kiện dự báo. Điều quan trọng là có được một thỏa thuận "fair", chứ không phải thời điểm ký kết.

- Trước đây, trên cương vị là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại, ông được ghi nhận là người có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán BTA. Ông có thể chia sẻ những khó khăn và những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình đàm phán này?


- Việc ký BTA để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Lúc đó, tôi vừa chân ướt chân ráo từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Thương mại. Bên cạnh hàng đống công việc mới lạ đối với một người "chưa từng đi chợ", nay gánh trách nhiệm "buôn bán" của cả nước, tôi phải khăn gói lên đường hoàn tất nốt một số nội dung để ký kết.

Tôi vẫn còn lưu giữ cái cảm giác nặng nề trong các cuộc bàn thảo cuối cùng, những giờ phút chờ đợi thâu đêm suốt sáng (với nghĩa đen) tin từ trong nước "bật đèn xanh" cho ký. Đến phút chót lại nảy sinh trục trặc kỹ thuật, do loại giấy đánh văn bản hiệp định của ta với máy của phía Mỹ không khớp. Trong khi đó, Tổng thống B.Clinton hẹn tiếp đúng 5 giờ chiều!

Nhưng mọi chuyện rồi cũng được dàn xếp trôi chảy. Lòng tôi lâng lâng khi bước vào Nhà Trắng, vì mình là quan chức VN đầu tiên bước vào ngôi nhà nổi tiếng này. Khi tiếp tôi, Tổng thống B.Clinton đã nhắc tới việc Tổng thống F.Roosevelt từng nói tới một nước VN mới, chính ở căn phòng chúng tôi đang đứng.

Sau đó, chúng tôi cùng các thượng nghị sĩ John Kerry của Đảng Dân chủ, John McCain của Đảng Cộng hòa và nhiều quan chức khác đứng trên thềm Nhà Trắng, nhìn ra Vườn Hồng tuyên bố với toàn thế giới về sự kiện lịch sử hai nước - vốn thù địch - ký BTA. Đó chẳng phải là một mốc quan trọng trên con đường mở rộng hợp tác hay sao?

- Xin cảm ơn ông!

Theo Vân Anh
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm