1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nguy cơ xung đột quân sự giữa hai "gã khổng lồ" châu Á

Hơn 1 tháng qua, khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ trên dãy Himalayas liên tục leo thang căng thẳng, xung đột quân sự lúc nào cũng có nguy cơ bùng nổ. Những diễn biến tại khu vực này đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.


Binh sĩ Trung Quốc (trái) và binh sĩ  Ấn Độ  tại khu vực biên giới hai nước

Binh sĩ Trung Quốc (trái) và binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng trước, các quan chức cho biết họ đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để không cho phép các bất đồng từ lâu giữa hai nước trở thành các xung đột.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã xô xát tại cao nguyên Doklam - Trung Quốc gọi là Động Lãng, ở vùng biên giới hoang vắng nhưng là khu vực đang tranh chấp trên dãy Himalayas. Kể từ đó, vụ đụng độ đã phát triển thành cuộc đối đầu trực tiếp mà không một lực lượng quân đội bên nào sẵn sàng rút lui.

Cao nguyên Doklam: “Yết hầu” của Ấn Độ

Vụ việc căng thẳng mới đây bắt đầu khi các lực lượng Trung Quốc được nhìn thấy đang tiến hành xây dựng một con đường tại khu vực mà Vương quốc nhỏ bé Bhutan tuyên bố chủ quyền, điều kích động sự can thiệp của các binh sĩ Ấn Độ đang đồn trú gần đó. Các quan chức quân sự cho biết các nhóm binh sĩ đã xô xát lẫn nhau nhưng không có vũ khí nào được sử dụng.

Ấn Độ cho biết hành động của họ được tác động bởi mối quan hệ đặc biệt với Bhutan như một phần trong Hiệp ước năm 2007 về việc hợp tác trong các vấn đề an ninh, nhưng cũng bởi mối đe dọa từ hành động xâm nhập của Trung Quốc tại cao nguyên Doklam đối với an ninh của Ấn Độ. Cao nguyên này nằm gần khu vực được gọi là “yết hầu” của Ấn Độ, một hành lang rộng 20km kết nối các bang phía Bắc với phần còn lại của Ấn Độ. Mối lo sợ lớn nhất của các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ là cuộc tấn công của Trung Quốc tại đây có thể cắt đứt mắt xích này.

Hai “gã khổng lồ” châu Á: Quan hệ dần xấu đi

Trung Quốc - vốn đang tiến hành nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng lớn trong khu vực để thúc đẩy thương mại - nói rằng khu vực mà họ đang xây dựng con đường là một phần lãnh thổ của họ và trong bất kỳ trường hợp nào, Ấn Độ không có vai trò trong cái mà Trung Quốc coi là vấn đề song phương với Bhutan.

Các quan chức Ấn Độ cho biết khoảng 300 binh sĩ của mỗi bên đang đối mặt trực tiếp, chỉ cách nhau khoảng 150m tại cao nguyên Doklam với độ cao 3.050m trên mặt nước biển. Đằng sau họ, tại các doanh trại là hàng nghìn binh sĩ đang sẵn sàng được triển khai ở mỗi bên.

Căng thẳng mới bùng phát này là diễn biến mới nhất trong mối quan hệ đang dần xấu đi giữa hai “gã khổng lồ” châu Á vốn không thể nhất trí về đường biên giới chung dài 3.500km - một nguyên nhân khiến hai nước này tiến hành chiến tranh hồi năm 1962. Giới chức Ấn Độ cho biết các nhà ngoại giao của hai nước đang lặng lẽ cố gắng đảm bảo thế bế tắc gần đường biên giới giữa 3 nước Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc không leo thang thành xung đột và viện dẫn thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở Astana.

Một nguồn tin trong Chính phủ Ấn Độ biết rõ về các cuộc đàm phán nhạy cảm tiết lộ với Hãng tin Reuters rằng ở hậu trường, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc đang đi đầu trong nỗ lực tìm cách đưa hai bên rút khỏi thế đối đầu tại cao nguyên Doklam - Trung Quốc gọi là Động Lãng - mà không bị mất thể diện. Trong khi đó, trước công luận, hai bên gần như không nói gì về hoạt động ngoại giao nhạy cảm này.

Trung Quốc - Ấn Độ: Ai nhượng bộ ai?

Phát biểu trước Quốc hội hôm 20-7, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói: “Chúng tôi mong muốn hai bên rút quân và giải quyết vấn đề bằng đối thoại”. Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng Ấn Độ trước tiên phải rút quân khỏi khu vực đó trước khi các cuộc đàm phán có ý nghĩa có thể diễn ra.

Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vẫn thường xuyên xảy ra tranh chấp tại những nơi tiếp giáp đường biên giới dài gần 4.000km giữa 2 nước và chưa được phân định rõ ràng. Theo chuyên gia phân tích Ajai Shukla, trong cuộc khủng hoảng ở Doklam lần này, New Delhi tin rằng Bắc Kinh đang thử thách cam kết của Ấn Độ với nước láng giềng Bhutan. Shukla viết: “Trung Quốc luôn bực bội với mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ với Bhutan và thường xuyên gây sức ép để gây chia rẽ”.

Trong những năm gần đây, hai nước đã mâu thuẫn về mối quan hệ chiến lược của Trung Quốc với Pakistan - kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ, bao gồm hành lang thương mại lớn mà Trung Quốc đang xây dựng thông qua khu vực Kashmir đang tranh chấp. New Delhi cũng cảm thấy bị xúc phạm trước việc Trung Quốc phủ quyết các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với thủ lĩnh một nhóm tay súng tại Pakistan và việc Bắc Kinh phản đối việc Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG).

Trong khi đó, Bắc Kinh đã nổi giận trước việc Chính phủ Thủ tướng Modi công khai kết thân với Dalai Lama - lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng mà Trung Quốc coi là phần tử ly khai nguy hiểm. Bắc Kinh cũng ngày một quan ngại về mối quan hệ quân sự của Ấn Độ với cả Mỹ và Nhật Bản.

Những vấn đề này cũng nằm trong những nguồn cơn gây căng thẳng giữa hai nước. Một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ đã phạm sai lầm khi công khai đưa quân vào Doklam để bảo vệ Bhutan. Một chuyên gia phân tích của Ấn Độ nhận định: “Tôi đồng ý họ có những lo ngại về an ninh, cũng có thể nói rằng Trung Quốc đã vi phạm hiện trạng. Tuy nhiên, việc điều quân đến khu vực tranh chấp của nước khác dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh có thể là cái cớ để Trung Quốc khai thác”.

Những lo ngại có cơ sở

Long Xingchun - chuyên gia thuộc một tổ chức tư vấn của Trung Quốc cho rằng “nước thứ ba” cũng có thể lấy danh nghĩa này để đưa quân vào khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan, quốc gia vốn là đồng minh của Trung Quốc. Ông Long Xingchun nói: “Ngay cả khi Ấn Độ được yêu cầu bảo vệ lãnh thổ Bhutan, họ cũng chỉ có thể đưa quân đến lãnh thổ đã phân định, không phải là khu vực tranh chấp”.

Một giải pháp vẹn toàn giữ được thể diện cho cả 3 phía lúc này là bất khả thi và cần nhiều thời gian hơn nữa. Đó chính là lý do vì sao quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Srinath Raghava - chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi - cho rằng chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cuối tháng này trong khuôn khổ cuộc họp các nước BRICS là cơ hội tốt để 2 nước tháo ngòi nổ căng thẳng. Chuyên gia này nói rằng hai bên đều coi đây là vấn đề uy tín.

Nhưng vai trò của ngoại giao là tìm giải pháp hòa bình trong những hoàn cảnh khó khăn. Để làm được điều đó, Ấn Độ không thể để xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc vào thời điểm này. Điều quan trọng là cả Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan đều phải cùng tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng nhưng vẫn giữ được thể diện cho tất cả các bên.

Theo Hoàng Long

An ninh thủ đô