1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ thua kiện về Biển Đông, Trung Quốc quay sang chỉ trích thẩm phán người Nhật

(Dân trí) - Trước nguy cơ thua kiện về Biển Đông, Trung Quốc đã dở chiêu bài nghi ngờ về sự công bằng của các thẩm phán xử lý vụ kiện mà Philippines khởi xướng cách đây 3 năm.


Thẩm phán người Nhật Bản Shunji Yana (Ảnh: JT)

Thẩm phán người Nhật Bản Shunji Yana (Ảnh: JT)

Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ngày 12/7 dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Mặc dù Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố sẽ “làm ngơ” với phán quyết của tòa, giới chức và truyền thông Trung Quốc gần đây đã tìm mọi chiêu trò để tẩy chay vụ kiện.

Trung Quốc dường như không bỏ qua chiêu bài nào, như gia tăng giọng điệu chỉ trích, cáo buộc truyền thông Mỹ và phương Tây thổi phồng các dự án cải tạo đất và hành động quân sự hóa của Bắc Kinh. Nhưng có lẽ bất ngờ nhất là việc Trung Quốc bày đặt nghi ngờ về thái độ trung lập của các thẩm phán được chỉ định trong vụ việc.

Sự chỉ trích của Bắc Kinh tập trung vào thẩm phán mang quốc tịch Nhật Bản Shunji Yanai, người đã chỉ định các thẩm phán của tòa trọng tài.

Báo chí nhà nước Trung Quốc gần đây liên tục có các bài viết nghi ngờ về vai trò của thẩm phán Nhật Bản. Chỉ mới tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã chất vấn về “sự công bằng về mặt thủ tục” trong việc bổ nhiệm và hoạt động của tòa trong một bài viết do tạp chí Qiushi của đảng Cộng sản Trung Quốc đăng tải.

Trong một bài viết hồi tháng trước trên tờ Jakarta Post, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xie Feng cũng khẳng định rằng ông Yanai - người giữ chức chủ tịch ITLOS từ 2011-2014, và Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ từ 1999-2001 - là “gây tổn thương lớn khi thành lập một phiên tòa tạm thời mà khó có thể được xem là đại diện toàn cầu”, khi 4 trong số 5 thẩm phán là người châu Âu.

Vào thời điểm Philippines khởi kiện Trung Quốc tháng 1/2013, ông Yanai là chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), vốn được thiết lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Cả Trung Quốc và Philippines đều có quyền đề cử một thẩm phán vào một ban trọng tài gồm 5 thành viên, 3 người còn lại cho chủ tịch ITLOS lựa chọn. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện và do sự vắng mặt của Bắc Kinh mà 4 trong số 5 thẩm phán của tòa trọng tài đã được ông Yanai bổ nhiệm. Người thứ 5 do phía Philippines lựa chọn.

Ông Lưu Chấn Dân lớn tiếng cho rằng thẩm phán Yanai không nên tham gia vào vụ kiện do các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Hoa Đông và các nỗ lực của Nhật Bản nhằm tham gia vào vấn đề Biển Đông.

Nhưng rõ ràng sự tham gia của thẩm phán Yanai là có thể tránh được. Nếu Trung Quốc tham gia vụ kiện, nước này đã có thể chỉ định một trong số các thẩm phán và cùng chỉ định 3 người khác theo thỏa thuận với Philippines, tờ Thời báo Hoa nam Buổi sáng chỉ rõ.

Các nhà phân tích cho rằng, bằng việc tập trung vào công kích quốc tịch của ông Yanai và các thẩm phán châu Âu, Trung Quốc muốn làm giảm thẩm quyền của tòa trọng tài trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách gia tăng sự ủng hộ ở trong nước đối với các chính sách bành trướng ở Biển Đông.

Khi được hỏi về các chỉ trích của Trung Quốc, ông Yanai, 79 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng “các nhân tố mà Trung Quốc đưa ra hoàn toàn không liên quan tới vụ kiện”.

“Với tư cách là chủ tịch của ITLOS, tôi không hành động như một đại diện của Nhật Bản. Tôi hoàn toàn không đại diện cho Nhật Bản trong phiên tòa. Điều đó là rõ ràng”, ông nói.

Ông Yanai cũng khẳng định, Trung Quốc đáng lẽ đã có thể tự chọn thẩm phán cho phiên tòa, nhưng thay vào đó lại phớt lờ vụ việc. “Vì vậy trong trường hợp này, tôi phải làm nghĩa vụ của mình”.

Khi được hỏi về quá trình thành lập ban trọng tài và số lượng các thẩm phán châu Âu trong đó, ông Yanai khẳng định: “Tất cả các thẩm phán đều là những người rất hiểu biết và liêm chính. Trong cộng đồng quốc tế, họ được quốc tế công nhận - ngoại trừ Trung Quốc”.

Nguy cơ thua kiện về Biển Đông, Trung Quốc quay sang chỉ trích thẩm phán người Nhật - 2

Hội đồng xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông gồm 5 thẩm phán: (ảnh trên, từ trái sang phải) Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Thomas Mensah, Rudiger Wolfrum và Alfred Soons. (Ảnh: SCMP)

Thẩm phán Rudiger Wolfrum (người Đức) do Philippines chỉ định. Thẩm phán Pawlak (người Ba Lan) được chỉ định làm trọng tài viên cho Trung Quốc. Trong số 3 người còn lại, thẩm phán Mensah mang quốc tịch Ghana, ông Jean-Pierre Cot là người Pháp và thẩm phán Alfred Soons mang quốc tịch Hà Lan.

An Bình