1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguy cơ người ủng hộ ông Trump biểu tình lớn vào ngày ông Biden nhậm chức

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới chức Mỹ lo ngại những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump sẽ tổ chức thêm các cuộc biểu tình sau vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội tuần trước.

Nguy cơ người ủng hộ ông Trump biểu tình lớn vào ngày ông Biden nhậm chức - 1

Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đập vỡ cửa kính trong cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Washington hôm 6/1. (Ảnh: Reuters)

Các diễn đàn trực tuyến ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã trở thành nơi diễn ra các cuộc thảo luận nhằm kêu gọi tổ chức thêm các cuộc biểu tình, trong đó một số đối tượng tổ chức biểu tình khuyến khích các nhóm hoặc những người tham gia mang theo vũ khí.

Báo cáo do Site Intellligence Group, nhóm chuyên theo dõi các mối đe dọa cực đoan trên nền tảng trực tuyến, công bố ngày 9/1 cho biết cuộc biểu tình của phe cực hữu dự kiến diễn ra vào ngày 17/1 và đã được chuẩn bị trong nhiều tuần. Những người ủng hộ Tổng thống Trump và các nhà hoạt động phản đối chính phủ kêu gọi các cuộc biểu tình ở Washington và tại các cơ quan lập pháp bang trên khắp cả nước. Tờ rơi kêu gọi biểu tình được phát tán rộng rãi trên mạng.

Theo Wall Street Journal, một trang web có liên quan tới một số thành viên của phong trào chống chính phủ cho biết các cuộc biểu tình sắp tới sẽ diễn ra ôn hòa. "Chúng tôi không định làm bất kỳ điều gì đối với các tòa nhà lập pháp tại những thành phố mà chúng tôi đang lên kế hoạch biểu tình", trang web cho biết hôm 8/1.

Các diễn đàn trực tuyến khác kêu gọi biểu tình vào ngày 20/1 khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Phần lớn các cuộc trao đổi về việc tổ chức biểu tình đều diễn ra trên các trang mạng xã hội.

Trong khi một số cuộc trao đổi được thực hiện thông qua các kênh trực tuyến, nhiều cuộc trao đổi chỉ diễn ra trong phạm vi các nhóm riêng tư và sử dụng các phần mềm mã hóa. Một quan chức liên bang cho rằng động thái này nhằm hạn chế khả năng theo dõi của lực lượng hành pháp.

Vài tuần trước khi xảy ra vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội, nhiều dấu hiệu trên mạng đã cảnh báo trước sự kiện này. Các đối tượng cực đoan công khai tuyên bố sẽ lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình, thậm chí một số đối tượng còn nói cụ thể rằng sẽ xông vào tòa nhà quốc hội.

Facebook đã khóa tài khoản của ông Trump, ít nhất cho tới cuối nhiệm kỳ tổng thống, trong khi Twitter viện dẫn "nguy cơ kích động bạo lực" làm lý do đóng tài khoản của Tổng thống Trump.

Chẳng hạn, Twitter cho rằng khi ông Trump đăng dòng tweet tuyên bố không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden, một số người ủng hộ ông Trump sẽ coi đó là tuyên bố xác nhận cuộc bầu cử năm 2020 không hợp lệ. Theo đó lễ nhậm chức của tân tổng thống sẽ trở thành một mục tiêu dễ dàng của người biểu tìn vì ông Trump không có mặt ở đó.

Theo Megan Squire, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Elon và là người chuyên theo dõi chủ nghĩa cực đoan trên nền tảng trực tuyến, khi Tổng thống Trump không có mặt tại lễ nhậm chức của người kế nhiệm, các đối tượng cực đoan sẽ tập trung vào Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Cuộc bạo loạn hồi tuần trước khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 1 cảnh sát. Tài sản bên trong tòa nhà quốc hội bị đập phá, cướp bóc trong khi các nghị sĩ phải sơ tán và phiên họp của lưỡng viện bị gián đoạn.

Sau cuộc bạo loạn, các nhà chức trách vẫn tiếp tục phát lệnh bắt giữ, cáo buộc các đối tượng tham gia biểu tình với nhiều tội danh từ gây rối mất trật tự cho tới sở hữu vũ khí và tấn công.

Tuy vậy, những người ủng hộ quá khích của Tổng thống Trump vẫn tuyên bố sẽ quay trở lại Washington vào ngày ông Biden nhậm chức. Theo NBC, họ đang sử dụng nền tảng trực tuyến để tập hợp nhau cùng tham gia sự kiện này.

"Nhiều người trong chúng tôi sẽ quay lại vào ngày 19/1, mang theo vũ khí để ủng hộ quyết tâm của đất nước, khiến thế giới không bao giờ quên. Chúng tôi sẽ đến đó với một số lượng mà không một quân đội hay cơ quan cảnh sát nào có thể sánh được", một người dùng mạng Parler thường xuyên đăng các bài viết về nhóm cực đoan QAnon, tuyên bố.

Parler, Telegram và TheDonald.win là 3 trong số nền tảng mạng xã hội từng được các nhóm cực đoan sử dụng để lên kế hoạch tập hợp người tham gia cuộc biểu tình vào ngày 6/1. Những người biểu tình tiếp tục sử dụng các nền tảng này để tập hợp lực lượng vào ngày ông Biden nhậm chức.

Theo Cơ quan Công viên Quốc gia, đơn vị cấp giấy phép cho các cuộc biểu tình ở Washington, có 7 đơn xin cấp phép biểu tình trùng với ngày nhậm chức của ông Biden, trong đó có đơn của người ủng hộ ông Trump.

Sẵn sàng ứng phó biểu tình bạo lực

Nguy cơ người ủng hộ ông Trump biểu tình lớn vào ngày ông Biden nhậm chức - 2

Hàng rào an ninh dựng xung quanh tòa nhà quốc hội Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Các nhà chức trách liên bang và địa phương đang thực hiện các biện pháp chuẩn bị ứng phó với các mối đe dọa có thể xảy ra trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump.

Người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Chase Jennings cho biết, lễ nhậm chức của ông Biden sẽ được coi như một sự kiện an ninh quốc gia và Mật vụ Mỹ sẽ dẫn đầu nỗ lực ứng phó của lực lượng hành pháp liên bang. Một người phát ngôn của cảnh sát Mỹ cũng cho biết lực lượng này đã tăng cường hiện diện trong suốt cả tuần và sẽ tiếp tục duy trì như vậy.

Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI) vẫn đang tập trung nhận diện, điều tra và xử lý các đối tượng kích động bạo lực và tham gia vào các hoạt động phạm pháp. FBI cho biết cơ quan này không tập trung vào các cuộc biểu tình ôn hòa, mà chỉ nhắm đến các cuộc biểu tình đe dọa tới sự an toàn của lực lượng cảnh sát cũng như của người dân Mỹ thông qua hoạt động bạo lực và phá hoại tài sản.

Theo Reuters, một hàng rào mới, cao hơn 2 mét và không thể trèo qua, đã được dựng lên quanh tòa nhà quốc hội và sẽ được duy trì trong ít nhất 30 ngày. Theo kế hoạch, lễ nhậm chức của ông Biden sẽ diễn ra bên ngoài Điện Capitol và quy mô lễ nhậm chức được thu hẹp để đảm bảo an toàn. Mỹ cũng nâng cấp an ninh cho sự kiện này.

Các nhà chức trách trên khắp nước Mỹ cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc biểu tình và gây rối, đặc biệt tại các bang chiến trường từng đóng vai trò trọng tâm trong việc quyết định kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

Tại bang Georgia, Thống đốc Brian Kemp cho biết tòa nhà lập pháp tại bang này sẽ được chuẩn bị để ứng phó với tình huống những người biểu tình tìm cách gây rối ở đây. Ông cũng gia hạn sắc lệnh hành pháp nhằm cho phép kích hoạt Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Lầu Năm Góc dự kiến triển khai hơn 5.000 thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia từ vài bang tới Washington DC qua ngày 20/1. Lực lượng này sẽ bổ sung vào lực lượng 1.000 vệ binh quốc gia đã được bố trí sẵn ở thủ đô.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm