1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ cuộc điều tra Covid-19 cuốn Mỹ - Trung vào "vòng xoáy" căng thẳng

Thành Đạt

(Dân trí) - Trong tất cả vấn đề khiến quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng kể từ khi đại dịch bùng phát, không vấn đề nào nhạy cảm hơn câu hỏi về nguồn gốc của Covid-19.

Nguy cơ cuộc điều tra Covid-19 cuốn Mỹ - Trung vào vòng xoáy căng thẳng - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).

Năm ngoái, Trung Quốc đã trả đũa việc Australia, một đồng minh của Mỹ, thúc đẩy cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19 bằng cách áp thuế đối với lúa mạch và rượu của Australia.

Kể từ đó, Trung Quốc liên tục đáp trả những lời kêu gọi từ Mỹ và phương Tây đòi hỏi Bắc Kinh phải minh bạch hơn về nguồn gốc Covid-19. Trung Quốc cũng tìm cách hướng sự chú ý của dư luận khỏi giả thuyết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thay vào đó Bắc Kinh đưa ra những giả thuyết khác, từ lây nhiễm virus qua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu cho đến rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ.

Điều này khiến nỗ lực hồi sinh giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Tổng thống Joe Biden vào tuần trước - bằng cách cho các cơ quan tình báo Mỹ 90 ngày để đưa ra kết luận chính xác hơn về nguồn gốc của Covid-19 - càng được chú ý nhiều hơn.

Theo Bloomberg, cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung, khi cả hai nước đều tỏ dấu hiệu muốn thoát khỏi những sóng gió từng bao trùm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

Mặc dù Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên các đòn thuế quan và lệnh trừng phạt của người tiền nhiệm đối với Bắc Kinh, song chính quyền của ông cũng bắt đầu mở cánh cửa đối thoại: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tối 1/6 tại Washington, sau cuộc trò chuyện của ông Lưu vào tuần trước với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

Tuần này, Tổng thống Biden có kế hoạch sửa đổi một lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc, sau khi chính sách thời ông Trump bị thách thức trước tòa. Theo lệnh sửa đổi của ông Biden, Bộ Tài chính Mỹ sẽ chịu trách nhiệm lập danh sách các công ty có thể phải đối mặt với các hình phạt vì liên quan đến lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc.

Tác động tới Trung Quốc

Dù triển khai cách nào thì kết quả của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 cũng sẽ tác động tới Trung Quốc, nhất là vào thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ gặp Tổng thống Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10 tới.

Sau khi nhận ra rằng phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đã làm tổn hại đến vị thế của nước này ở nước ngoài, ông Tập Cận Bình tuần này đã kêu gọi các quan chức Trung Quốc mở rộng thêm vòng tròn bạn bè và cải thiện hình ảnh của Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối mạnh mẽ bất kỳ cáo buộc nào cho rằng, họ đã xử lý yếu kém dịch bệnh Covid-19 ngay từ đầu hoặc che đậy một loại virus khiến cả thế giới chao đảo trong hơn một năm qua.

"Vấn đề nguồn gốc của virus có liên quan chặt chẽ tới tính chính đáng của Trung Quốc, do vậy tôi không kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở nên minh bạch hơn, mà họ sẽ chiến đấu không ngừng nghỉ", Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ German Marshall - một nhóm nghiên cứu chính sách tại Washington, nhận định.

"Điều đó cho thấy, Trung Quốc khó có thể sử dụng các hình thức gây sức ép về kinh tế đối với Mỹ như cách họ đang thực hiện để chống lại Australia, một phần vì Trung Quốc lo ngại Mỹ sẽ trả đũa bằng việc áp thêm các hạn chế trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ cũng lo ngại mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ bị đẩy xuống mức nguy hiểm", bà Glaser cho biết.

Nguy cơ cuộc điều tra Covid-19 cuốn Mỹ - Trung vào vòng xoáy căng thẳng - 2

Viện Virus học Vũ Hán (Ảnh: AFP).

Kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19, một số quan chức tình báo Mỹ đã cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã bị rò rỉ một cách vô tình hoặc cố ý từ Viện Virus học Vũ Hán. Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm công nghệ cao ở Viện Virus học Vũ Hán từng nghiên cứu các loại virus corona, bao gồm một số loại liên quan tới loài dơi.

Một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) soạn thảo cùng Trung Quốc vào đầu năm nay đã đánh giá khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra", vì không có loại virus nào như vậy được nghiên cứu ở phòng thí nghiệm trước khi dịch bùng phát và các quy trình bảo mật an toàn dường như không bị vi phạm.

Báo cáo trên được đưa ra sau khi Trung Quốc cho phép một nhóm chuyên gia của WHO tới Vũ Hán để điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi tháng 2. Báo cáo cho rằng kịch bản có khả năng nhất là virus lây lan từ dơi sang người thông qua một vật trung gian chưa được xác định.

Tuy nhiên, Nhà Trắng chỉ trích báo cáo trên là không đầy đủ, trong khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng báo cáo chưa đủ "bao quát" và giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm cần được điều tra thêm. Các nhà khoa học phương Tây đã kêu gọi rằng, giả thuyết virus bắt nguồn từ tự nhiên hay trong phòng thí nghiệm đều phải được xem xét một cách nghiêm túc cho đến khi có đủ dữ liệu để bác bỏ một trong hai giả thuyết này.

Nguy cơ căng thẳng quan hệ

Theo Christopher Johnson, cựu chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, động thái kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 của ông Biden dường như mang động cơ "chính trị". Ông Johnson cho rằng Trung Quốc khó có thể cho phép tiếp cận dữ liệu sâu hơn để làm sáng tỏ nguồn gốc của virus.

"Việc tìm ra bằng chứng trong vấn đề này gần như không thể, do vậy cách duy nhất để hạ nhiệt căng thẳng là đối thoại với nhau. Nếu không làm được điều đó, nguy cơ bùng nổ quan hệ (Mỹ - Trung) sẽ xảy ra", ông Johnson nhận định.

Theo SCMP, các nhà ngoại giao Trung Quốc và các quan chức cấp cao tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nhiều lần phủ nhận rằng cơ sở này là nguồn lây nhiễm virus corona. Phản ứng trước cuộc điều tra do ông Biden chỉ đạo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuần trước đã nhắc đến báo cáo của WHO, trong đó nói rằng virus khó có khả năng bị rò rỉ, đồng thời đặt câu hỏi tại sao các cơ quan tình báo Mỹ lại vào cuộc điều tra vấn đề này.

"Làm thế nào để có thể tin vào những phát hiện từ cuộc điều tra do một cơ quan tình báo, vốn không có uy tín, thực hiện?", ông Triệu nói.

Ông Triệu cũng đề cập tới phòng thí nghiệm Fort Detrick ở bang Maryland của Mỹ để nhắc lại một giả thuyết mà ông đưa ra từ lâu rằng, virus có thể bắt nguồn từ Mỹ.

Theo Hugo Brennan, nhà phân tích của hãng tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, mệnh lệnh của ông Biden đồng nghĩa với việc cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất vài tháng nữa. Nếu cuộc điều tra của Mỹ đưa ra kết luận bất lợi cho Trung Quốc, quan hệ song phương sẽ càng tồi tệ hơn.

"Nếu cộng đồng tình báo Mỹ kết luận giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là nguyên nhân gây ra đại dịch, quan hệ Mỹ - Trung sẽ giảm sâu xuống mức mới, nhất là nếu tình báo Mỹ nhất trí rằng Bắc Kinh đã cố tình che giấu sự rò rỉ này", chuyên gia Brennan nói thêm.