Lật lại điều tra Covid-19: Nước cờ bất ngờ của ông Biden
(Dân trí) - Quyết định lật lại cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là một động thái bước ngoặt bất chấp nó có thể khiến quan hệ với Trung Quốc căng thẳng hơn nữa.
Quyết định bước ngoặt
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/5 đã chỉ thị cộng đồng tình báo nước này nỗ lực gấp đôi để có kết luận rõ ràng hơn về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Động thái này đánh dấu một bước chuyển đáng kể trong quan điểm của chính quyền Tổng thống Biden về cuộc điều tra Covid-19 khi mà trước đó Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhiều lần khẳng định, chính phủ Mỹ ủng hộ một cuộc điều tra độc lập nhưng sẽ không đóng vai trò đi đầu trong việc thực hiện nó. Điều này càng bất ngờ hơn khi trước đó ông Biden âm thầm giải tán nhóm chuyên trách của Bộ Ngoại giao Mỹ điều tra giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Ông Biden chịu sức ép lớn phải hé lộ kết quả điều tra của cộng đồng tình báo về nguồn gốc Covid-19, đặc biệt sau khi xuất hiện thông tin nói rằng ít nhất 3 nhà nghiên cứu của Trung Quốc phải nhập viện hồi tháng 11/2019, không lâu trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết, cộng đồng tình báo Mỹ đến nay vẫn chưa thể có một kết luận rõ ràng về hai giả thuyết mà họ nghi ngờ đó là virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên hoặc virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Do vậy, ông muốn có một đánh giá rõ ràng hơn nữa trong vòng 90 ngày.
Đây là lần đầu tiên ông "bật đèn xanh" cho nỗ lực điều tra nghi vấn SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc - một giả thuyết do chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra và bị đảng Dân chủ chỉ trích là âm mưu "chính trị hóa". Các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho rằng, ông Biden có lý do để đưa ra quyết định đó vào thời điểm này.
Thứ nhất, giới làm chính sách ở Mỹ, đặc biệt là đảng Dân chủ, và các nhà khoa học đã cởi mở hơn với giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Ngoài ra, quyết định của ông Biden được coi là lôgic dựa trên cơ sở tình báo.
Ván cược lớn
Quyết định lật lại và đào sâu điều tra nguồn gốc Covid-19 của ông Biden có thể giúp ông tránh được những sức ép chính trị trong nước trong bối cảnh đảng Cộng hòa coi những bí ẩn còn để ngỏ của đại dịch Covid-19 là bằng chứng cho thấy chính quyền của ông Biden yếu đuối trước Trung Quốc.
"Người Mỹ có quyền được biết tất cả các bằng chứng, có quyền buộc chính phủ và các đồng minh nỗ lực hết mình để khiến Trung Quốc giải trình về những gì đã xảy ra không chỉ với họ mà còn với cả thế giới, để đảm bảo những đại dịch như vậy sẽ không bao giờ lặp lại", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley phát biểu hôm 27/5. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cũng đặt ra những nghi ngờ về việc ông Biden âm thầm giải tán nhóm điều tra giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.
"Phe Cộng hòa tìm cách chỉ trích mọi thứ có thể quy là phản ứng yếu ớt với Trung Quốc, vì vậy tôi nghĩ rằng ông Biden muốn thể hiện ông ấy không ngần ngại điểm mặt Trung Quốc nếu có sự đồng thuận trong cộng đồng tình báo về giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán", Mathew Burrows, một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, nói.
Việc lật lại điều tra nguồn gốc Covid-19 có thể làm nức lòng cả những người của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, nhưng mặt khác cũng đẩy chính quyền của ông Biden vào nguy cơ gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Thực tế, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích quyết định của ông Biden "mang động cơ chính trị", đồng thời đưa ra giả thuyết virus SARS-CoV-2 thoát ra từ một căn cứ quân sự của Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, ông Biden tìm cách để cân bằng chính sách với Trung Quốc, tuy vậy vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh và nhiều lần tuyên bố thúc đẩy các chính sách nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trong những năm tới. Đó là lý do quan hệ Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng so với thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. "Có thể nói, mối quan hệ này đang từ tồi tệ chuyển sang tồi tệ hơn nữa", Daniel Markey, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, nhận định.