1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguy cơ chiến tranh toàn diện khi Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine

(Dân trí) - Những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi quan điểm của Washington đối với cuộc xung đột tại Ukraine, từ thận trọng sang cứng rắn, hiếu chiến hơn, đang khiến các chuyên gia thế giới lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện bên “bờ rào” nước Nga.

Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra đến nay, Mỹ vẫn từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Kiev. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, ngày càng có nhiều thông tin cho thấy các cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hậu thuẫn khả năng này.

Các binh sỹ Ukraine đang gặp nhiều khó khăn tại miền Đông (Ảnh:
Các binh sỹ Ukraine đang gặp nhiều khó khăn tại miền Đông (Ảnh: AFP)

Theo tờ New York Times, tướng Philip Breedlove, tư lệnh tối cao NATO ủng hộ việc cung cấp vũ khí, khí tài cho các lực lượng Ukraine, vốn đang vấp phải nhiều khó khăn từ các lực lượng ly khai thân Nga.

Các quan chức cấp cao khác, trong đó có ngoại trưởng John Kerry, cũng được cho là sẵn sàng cân nhắc sự dịch chuyển trong chính sách của Mỹ, và vũ trang cho Kiev.

Về phần mình, Kiev từ lâu vẫn kêu gọi phương Tây hỗ trợ “vũ khí sát thương” sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký hồi năm ngoái đổ vỡ, do các cuộc phản kích bất ngờ của phe ly khai, những người đang tìm cách bao vây một trọng điểm giao thông đường sắt chiến lược tại Đông Ukraine.

Bước chuyển của Mỹ, nếu diễn ra, sẽ tạo ra khác biệt rất lớn.

“Đến giờ thì có nguy cơ rất thực tế rằng rốt cuộc chúng ta sẽ bước vào cuộc chiến với Nga”, Fiona Hill, đến từ Trung tâm Brookings tại Washington cho biết. “Từ quan điểm của Putin, chúng ta đã ở trong một cuộc chiến với họ, đó là chiến tranh tài chính và kinh tế. Và nếu vũ khí được chuyển tới, cuộc chiến đó sẽ tăng thêm một cấp”.

Hàng nghìn người dân tại Donetsk đã phải rời bỏ nhà cửa (Ảnh:
Hàng nghìn người dân tại Donetsk đã phải rời bỏ nhà cửa (Ảnh: AFP)

Một số nhà chiến lược quân sự cho biết, những đợt tấn công gần đây của phe ly khai tại những vị trí trọng yếu trên chiến trường, có thể đã được lập kế hoạch một cách chính xác, với lo ngại Mỹ có thể sớm tham chiến.

“Một lý do những người ly khai đang đẩy mạnh tấn công đó là giành được thành quả trước khi lính Mỹ tới”, Andrew Wilson, tác giả cuốn sách “Khủng hoảng Ukraine: Ý nghĩa ra sao với phương Tây”, nhận định. “Mỹ đang đối mặt với một thử thách về mặt đạo đức: Nếu họ không hành động ngay bây giờ, xung đột có thể xấu đi. Nhưng nếu họ tham gia sẽ có rủi ro lớn”.

Trò chơi nguy hiểm

Một bản báo cáo độc lập được công bố đêm 2/2 bởi 8 cựu quan chức cấp cao khẳng định đã đến lúc Washington tung gói hỗ trợ quân sự 3 tỷ USD cho Ukraine.

“Phương Tây cần phải củng cố sự răn đe tại Ukraine bằng cách gia tăng rủi ro và chi phí đối với Nga trong trường hợp có thêm bất kỳ đợt tấn công lớn nào”, báo cáo viết.

Đây chính là một tư tưởng đang ngày càng lớn dần trong một bộ phận giới chức quân sự và nghị sỹ Mỹ. Tuy vậy, tư tưởng ấy đi kèm với rủi ro lớn.

“Cuộc xung đột đang được Kremlin khắc họa như là sự đối đầu với phương Tây, với khẳng định Kiev là quân cờ của NATO”, Nick de Larrinaga, biên tập viên tạp chí quân sự uy tín IHS Jane’s Defence Weekly tại Anh nói. “Việc hỗ trợ vũ khí sát thương sẽ càng củng củng cố thêm tuyên bố đó, và có thể làm vững chắc hơn nữa vị thế của Nga”.

Mối lo ngại chính lúc này đó là viện trợ quân sự từ Mỹ có thể khiến cho sự đối đầu leo thang lên những mức nguy hiểm mới.

“Tôi e rằng chúng ta phải thừa nhận rằng, có khả năng chiến tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn với ngày càng nhiều tổn thất”, bà Fiona Hill nói tiếp. “Và việc đưa thêm vũ khí tới đó sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa, và gia tăng khả năng Mỹ phải can thiệp. Cũng giống như những gì đã xảy ra tại Balkan và tất cả những lần can thiệp khác mà chúng ta từng thực hiện”.

Hàng nghìn người dân tại Donetsk đã phải rời bỏ nhà cửa (Ảnh:
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong lần gặp gỡ ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Munich năm 2014 (Ảnh: AFP)

Cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa hề cho thấy sự cam kết đối với chính quyền Kiev, nhưng khẳng định “liên tục rà soát lại” chiến lược.

“Mặc dù trọng tâm của chúng tôi là theo đuổi một giải pháp thông qua các biện pháp hòa bình, chúng tôi luôn đánh giá các lựa chọn khác mà có thể tạo không gian cho một giải pháp được thỏa thuận”, thông cáo của hội đồng an ninh quốc gia Mỹ viết.

Dù vậy, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ông Obama “đang chủ động” tái xem xét việc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, nhưng vẫn tiếp tục lo ngại về hiệu quả của bước đi này, cũng như những rủi ro về một cuộc chiến “ở hậu trường” giữa Nga và Mỹ.

Theo quan chức này, ông Obama cụ thể thấy lo ngại về năng lực của quân đội Ukraine trong việc sử dụng các loại vũ khí có hỏa lực mạnh do Mỹ cung cấp. Ngoài ra khả năng những vũ khí này rơi vào tay lực lượng ly khai cũng là một vấn đề.

Tổng thống Mỹ trước đây từng tranh luận rằng không một lượng vũ khí nào có thể giúp Ukraine sánh ngang với sức mạnh quân sự toàn diện của Nga.

Đến nay, Mỹ mới chỉ giới hạn việc hỗ trợ quân đội Ukraine ở mức 118 triệu USD vũ khí phi sát thương, như mặt nạ phòng độc, áp chống đạn, kính nhìn ban đêm và công nghệ radar để phát hiện những vụ nã pháo hoặc phóng rocket. Và cũng chỉ có khoảng 1/3 số này đã được bàn giao.

Cục diện có thay đổi nếu Ukraine được vũ trang?

Liệu những vũ khí sát thương có thể giúp quân đội Ukraine xoay chuyển cục diện trong cuộc chiến hiện nay? Đây chính là điều mà các nhà phân tích đã đề cập trong bản báo cáo độc lập của các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có cựu nhân vật số 3 tại Lầu Năm Góc, Michele Flournoy và cựu đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder đề cập.

Theo bản báo cáo, Ukraine cụ thể cần các loại tên lửa diệt xe bọc thép, để đối phó với “lượng lớn các phương tiện bọc thép đang được triển khai tại Donetsk và Lugansk”.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với nhận định này. “Vấn đề không nằm ở vũ khí – Ukraine là nước sản xuất vũ khí đứng thứ tư thế giới”, Balazs Jarabik, đến từ tổ chức Carnegie Endowment for International Peace nói. “Vấn đề của họ nằm ở các khâu lãnh đạo, quản lý và hậu cần”.

Vũ khí của phương Tây ngoài ra còn đòi hỏi phải có chuyên gia huấn luyện tại chỗ, đồng nghĩa với việc NATO phải hiện diện tại Đông Ukraine.

“Nếu lực lượng Mỹ xuất hiện tại Ukraine, cho dù chỉ nhằm mục đích huấn luyện, nó sẽ hậu thuẫn cho tất cả những gì mà những người theo thuyết âm mưu tại Nga đã nói suốt thời gian qua”, Jarabik chốt lại.

Thanh Tùng
Tổng hợp