1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cân nhắc cung cấp vũ khí cho Ukraine

(Dân trí) - Trước tình hình chiến sự leo thang đáng báo động tại miền đông Ukraine, chính quyền của Tổng thống Obama đang cân nhắc việc hỗ trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Kiev trong cuộc chiến chống phe ly khai.

Quân lính của chính phủ Ukraine tại thành phố miền đông Donetsk. (Ảnh:

Quân lính của chính phủ Ukraine tại thành phố miền đông Donetsk. (Ảnh: Getty)

Tờ New York Times ngày 1/2 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey, đã sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận về cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng chính phủ Ukraine.

Nguồn tin này cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng ủng hộ dự định trên. Ngoài ra, một quan chức khác cũng tiết lộ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, người từng phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, đang xem xét lại vấn đề này.

Trong khi đó, tờ Times của Anh đưa tin, 8 cựu quan chức cấp cao của Mỹ sẽ công bố một bản báo cáo độc lập trong hôm nay 2/2 để thúc giục Washington gửi thiết bị quân sự và vũ khí phòng thủ cho quân chính phủ Kiev. Lượng vũ khí này có trị giá khoảng 3 tỷ USD, trong đó có cả tên lửa chống tăng và máy bay trinh sát không người lái.

Vấn đề viện trợ vũ khí sát thương có khả năng sẽ được đưa ra trong chuyến thăm Kiev của Ngoại trưởng Kerry vào ngày 5/2 tới. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Kerry sẽ hội đàm với Tổng thống Petro Poroshenko cùng các quan chức cấp cao của Ukraine về tình hình chiến sự tại miền đông.

Mỹ và EU nhiều lần tố cáo Nga viện trợ tài chính, vũ khí, binh sỹ cho phe ly khai đang kiểm soát nhiều khu vực ở miền đông Ukraine và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga. Nhưng Mátxcơva luôn bác bỏ cáo buộc này.

Trước đây, chính quyền Obama từng phản đối viện trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Kiev bởi lo ngại sẽ gây nên một cuộc chiến gián tiếp tại Ukraine với Nga. Tuy nhiên, nội các của Tổng thống Obama đã thay đổi cách nhìn nhận vấn đề này.

Hồi tuần trước, sau khi các phiến quân thân Nga nã pháo dữ dội vào thành phố cảng Mariupol ở đông Ukraine làm 30 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương, Tổng thống Obama đã tuyên bố cân nhắc các biện pháp mới để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, ít nhất 5.000 người đã thiệt mạng từ khi nội chiến ở đông Ukraine bùng nổ vào tháng 4/2014. Cuộc xung đột này cũng là nguyên nhân khiến quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU rơi vào tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Thoa Phạm

.Theo New York Times