1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người Việt tại Nhật "buồn như mất người thân" khi ông Abe ra đi đột ngột

Đức Hoàng An Bình Minh Phương

(Dân trí) - Cộng đồng người Việt đang học tập và làm việc tại Nhật Bản đau buồn, tiếc nuối và bàng hoàng khi nghe tin cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị tấn công.

Người Việt tại Nhật buồn như mất người thân khi ông Abe ra đi đột ngột - 1

Người dân đặt hoa tưởng niệm tại hiện trường vụ việc ông Abe Shinzo bị ám sát (Ảnh: Reuters).

Ngày 8/7, dư luận thế giới đã chấn động trước thông tin cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị tấn công bằng súng khi đang tham gia vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở tỉnh Nara.

Chia sẻ với báo Dân trí, nhiều người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản đều bày tỏ cảm xúc tiếc thương trước sự ra đi của nhà cựu lãnh đạo.

Ông Abe sẽ mãi ở trong tim mọi người

Chị Thanh Phương Yuri hiện sinh sống ở Kyoto cho biết, là người rất yêu mến cựu Thủ tướng Abe, khi biết thông tin về vụ việc, cô thấy "buồn như mất đi người thân của chính mình".

"Ông Abe mất sớm nhưng sẽ mãi ở trong tim mọi người, sẽ được lịch sử ghi nhận là người có nhiều đóng góp cho Nhật Bản và mối quan hệ của Nhật Bản với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam", Thanh nói.

Chị Phạm Thị Xuân Nga, sống ở thành phố Kawasaki, gần thủ đô Tokyo, cho biết: "Tôi rất sốc khi nghe tin ông Abe bị ám sát vì Nhật Bản trước giờ nổi tiếng là một đất nước an toàn và kiểm soát súng đạn chặt chẽ".

"Các chính trị gia Nhật thường tới những nơi công cộng như ga tàu để thực hiện các bài phát biểu nên các bài diễn thuyết như vậy thường xuyên được thực hiện. Việc bảo vệ cho các chính khách ở các địa điểm này dường như cũng không quá chặt chẽ. Chính vì vậy, tôi rất bất ngờ và có chút bất an khi nghe tin dữ", Xuân Nga chia sẻ.

Trả lời Dân trí, chị Hương Mai, hiện đang làm việc tại công ty ô tô Nissan, thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa cho hay: "Khi nghe tin về việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát, tôi cảm thấy sốc và bàng hoàng. Lúc đó tôi chỉ cầu mong ông có thể vượt qua".

Theo Hương Mai, ông Abe nhận được nhiều tình cảm của cộng đồng người nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng vì trong thời kỳ ông chèo lái Nhật Bản, đất nước này đã "nới lỏng chính sách nhập cư để thúc đẩy lực lượng lao động nước ngoài".

"Có thể nói, trong thời kỳ cầm quyền của ông Abe cũng là thời kỳ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đã mở rộng. Khi Covid-19 hoành hành, chính phủ của ông không chỉ có những chính sách hỗ trợ cho người dân Nhật Bản mà cũng tích cực giúp đỡ người nước ngoài như hỗ trợ khẩu trang và trợ cấp 100.000 yên (gần 735 USD) để mọi người có thể vượt qua những thách thức từ đại dịch toàn cầu", Hương Mai chia sẻ.

Trương Lan, quản lý thực tập sinh Việt Nam tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, cho hay, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản rất buồn khi nghe tin ông Abe không thể qua khỏi sau khi bị ám sát. 

Trương Lan cho biết, một trong những chính sách dưới thời ông Abe khiến mọi người cảm kích nhất giữa đại dịch Covid-19 là việc hỗ trợ tiền cho toàn bộ người dân đang sinh sống trên đất nước Nhật Bản, không phân biệt người nước ngoài hay người bản địa. Sau đó, chính phủ của ông Abe tiếp tục hỗ trợ thêm cho những người có thu nhập giảm, thu nhập dưới mức phải đóng thuế và nhiều thực tập sinh người Việt đã được hưởng sự hỗ trợ này. 

Người Việt tại Nhật buồn như mất người thân khi ông Abe ra đi đột ngột - 2

Người dân xếp hàng tưởng niệm ông Abe. Sinh thời, ông là chính trị gia được yêu mến (Ảnh: Reuters).

Các chính sách thân thiện với lao động nước ngoài

Phạm Thị Diệu Hoa, sinh viên Đại học Quốc gia Yokohama, cho biết cô nghe tin ông Abe bị tấn công khi đang học ở trường.

Theo Hoa, với cộng đồng người nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam, mọi người đều cảm thấy buồn vì dưới thời ông Abe, chính phủ Nhật Bản có rất nhiều chính sách và chế độ có lợi cho lao động nước ngoài.

Cựu Thủ tướng Abe là một người bạn lớn của Việt Nam. Trong thời kỳ ông chèo lái đất nước, Nhật Bản và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ trên nhiều lĩnh vực.

Với một sinh viên như Diệu Hoa, cô nhấn mạnh rằng, dưới thời ông Abe lãnh đạo Nhật Bản, trường Đại học Việt - Nhật đã được xây dựng. Khi còn tại nhiệm, ông Abe nhiều lần nhấn mạnh rằng trường đại học này là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa 2 nước và là nơi đào tạo ra nhân lực có trình độ cao cho 2 quốc gia. 

Hoa cũng chia sẻ, Nhật Bản có những quy định chặt chẽ về kiểm soát vũ khí nên các vụ việc liên quan tới bạo lực súng đạn xảy ra ít khi xảy ra. Tuy nhiên, sau vụ việc ông Abe bị ám sát, cô cũng có những lo lắng nhất định với tình hình an ninh tại Nhật Bản.

Giống Diệu Hoa, chị Phương Thúy ở Suzaka, Nagano cho biết, vì tình cảm đặc biệt với cựu Thủ tướng Abe và các chính sách của ông, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đều rất quan tâm đến vụ việc. Các trang Facebook lớn của cộng đồng người Việt như Cộng đồng Việt Nhật và Sugoi đều cập nhật thông tin liên tục về vụ việc.

"Nhưng phép màu đã không xảy ra và tất cả đều rất thương tiếc trước sự ra đi của bác Abe", Thúy xúc động chia sẻ.

Theo Phương Thúy, nhìn chung từ thời ông Abe làm thủ tướng, quan hệ Việt - Nhật có nhiều cải thiện. Trao đổi lao động giữa hai nước qua các chương trình thực tập sinh, tu nghiệp sinh hoặc chính sách về visa cũng cởi mở hơn.

Thúy nói thêm, cô và một số người bạn đang sống tại Nhật Bản cảm thấy có chút bất an sau vụ việc. Điều cô rút ra là không ở đâu an toàn tuyệt đối và mọi người phải luôn cẩn trọng, không được phép chủ quan.

"Trong 5 năm ở đây, em thực sự có tâm lý chủ quan, đi ra ngoài có khi còn không khóa cửa", cô nói.

Theo Phương Thúy, vụ ông Abe bị ám sát có thể sẽ khiến nước Nhật Bản xem xét lại vấn đề bảo vệ an ninh cho chính khách, cũng như cách vận động tranh cử truyền thống của nước này.