1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Việt tại Mỹ cũng khổ vì cá độ

Mùa bóng đá đến, các quán càphê trong khu Little Saigon (California) lại đông nghẹt khách. Sống ở xứ người đã lâu, nhưng nhiều người Việt vẫn giữ thói quen chơi cá độ, dù không ít người phải khốn đốn vì trò chơi này.

Mất việc vì cá độ

Định cư ở Mỹ đã hơn 20 năm nhưng Hưng - 37 tuổi, vẫn không thể bỏ nổi thú đam mê cá độ. Ban đầu là cá độ bóng đá rồi bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ, thậm chí là “bắt” cả những trận đấu quyền Anh. Ngày trước, Hưng chỉ chơi vào ngày cuối tuần vì trong tuần còn phải đi làm cho một Cty Mỹ, nhưng rồi thú đỏ đen cuốn anh theo lúc nào không hay. Lúc nào cũng thấy Hưng kè kè một cái máy tính xách tay để lên mạng xem “kèo” các môn thể thao. Từ bắt độ vài chục đôla cho một trận đấu, Hưng dần trở thành một người “ghi kèo” lúc nào không hay. Số tiền kiếm được vào lúc đó có khi lên đến vài chục ngàn USD mỗi tuần và không phải chịu bất kỳ một thứ thuế nào.

Thời gian đầu, Hưng còn “mắt nhắm mắt mở” đến hãng làm việc mỗi ngày nhưng công việc cứ bê trễ dần, lại bị chủ phát hiện đang ghi “kèo” trong giờ làm việc. Sau vài lần bị cảnh cáo, Hưng nhận một tờ giấy cho thôi việc. Những tháng đầu mất việc, Hưng sống bằng nghề ghi cá độ, người chơi có đủ mọi màu da. Số tiền kiếm được cũng giúp anh tiêu pha thoải mái, nhưng không bao giờ tích lũy được vì tất cả đều là tiền mặt, đem gửi ngân hàng không được vì một người thất nghiệp như Hưng không thể chứng minh được nguồn gốc số tiền đó là “tiền sạch”. Tiền kiếm ra từ cá độ, lại đem “nướng” vào cá độ.

Suốt mấy năm làm nghề “ghi” cá độ , Hưng gặp không ít khách hàng “lỳ lợm”. Một lần, một tay chơi người Mễ (Mexico) sau khi thua gần 20.000 đôla đã “trây ỳ” suốt gần một tháng không trả. Hưng đã phải thuê một đồng nghiệp cũ da đen to con đến gõ cửa nhà tay Mễ kia, chỉ để nói: “Chủ tao nói nếu mày chưa có tiền thì cứ để từ từ rồi trả cũng được”. Chỉ vậy, ngay hôm sau con nợ vội mang tiền đến trả.

“Dù kiếm được tiền, nhưng làm một người thất nghiệp trong xã hội này trong khi đã được ăn học tử tế thì... mắc cỡ lắm” - Hưng giải thích về việc anh quyết định bỏ cá độ để quay lại đi làm như mọi người. Sau mấy năm quay cuồng với  tỉ lệ cá cược, khi quay trở lại đi làm Hưng nói mình “gần như làm lại từ đầu”. Bây giờ anh lại là một nhân viên bình thường với mức lương trung bình khá trong xã hội Mỹ. Tuy vậy, năm nay vào mùa EURO thì Hưng vẫn ra quán càphê trong khu VN để xem bóng đá và... cá độ, nhưng chỉ “cá” nho nhỏ cho vui.

Bỏ học vì “dính” độ

Những quán càphê trong khu Bolsa (Little Saigon, California) như: Lú, Miss Cuties, Galaxy, Dễ Thương... đầy nghẹt khách đến xem bóng đá mỗi khi có giải lớn như EURO, World Cup... Đa số trong đó đều cầm theo laptop, iPad... để tiện theo dõi “kèo”... Thông - một du học sinh VN đang theo học tại một trường đại học gần khu Little Saigon - gần như không bỏ sót một trận đấu nào của những giải đấu lớn. Thông cũng chơi cá độ nhưng chỉ chơi “amateur” chứ không như nhiều trường hợp du học sinh phải bỏ học vì “dính” vào trái bóng tròn.

“World Cup lần trước có thằng bạn ở cùng phòng với em theo không bỏ trận nào. Bao nhiêu tiền đều dồn vào cá độ, suốt ngày ôm máy tính, không chỉ ghi tỉ lệ cho bạn bè bên này mà còn đánh cho bạn ở VN - Thông kể - Gần cuối mùa bóng, gia đình nó bên VN biết được khóa luôn tài khoản “tiếp tế”, còn cuối học kỳ đó lại bị rớt mấy môn quan trọng, lại nợ nần lung tung nên bỏ học ra đi làm “chui” trong mấy tiệm ăn VN”.

Cá độ thể thao bị xem là bất hợp pháp tại tiểu bang California. Trước khi EURO diễn ra, cộng đồng VN đã xôn xao với tin một quán càphê lớn trong khu vực bị cảnh sát đột ngột kiểm tra và phát hiện nhiều loại hình cờ bạc trong quán này. Tất cả tiền mặt của khách đang chơi đều bị tịch thu, chưa kể số tiền trong những chiếc máy chơi game, thực chất là máy đánh bạc trá hình. Số tiền mặt bị tịch thu ghi trong bản báo cáo của cảnh sát chỉ 3.000 đôla, nhưng theo chủ quán thì tổng số tiền bị thu tới gần 80.000 đôla.

Theo Trung Bảo
Lao động