Người Trung Quốc "sốt" với dịch vụ đẻ thuê tại Mỹ
Trung tuần tháng 8 vừa rồi, Audra Anderson, 32 tuổi, sống ở California, Hoa Kỳ đã sinh con trong sự mừng vui của Shawn chồng chị, và Nadia, cô con gái 7 tuổi tóc vàng quăn tự nhiên.
Doanh nhân người Thượng Hải Tony Jiang và 3 đứa con được đẻ thuê tại Mỹ
“Nhưng em bé không phải là con tôi, không có quan hệ di truyền nào cả”, Audra nói. Chị chính là một người Mỹ đẻ thuê cho người nước ngoài, một dịch vụ đang rất hút khách tại Mỹ với 40% khách hàng đến từ Trung Quốc.
Nhiều khách hàng là cặp đôi đồng tính
Thực ra, bố mẹ hợp pháp của em bé mà Audra mới sinh là một cặp đồng tính Trung Quốc. Đứa con ra đời từ việc cấy phôi thai kết hợp giữa một quả trứng hiến tặng và tinh trùng của cha cháu bé, một người đàn ông Trung Quốc. Đây là đứa trẻ thứ hai mà chị Audra mang thai hộ cho cặp đôi đó.
Audra là một người nội trợ và chồng chị làm việc tại các công trình xây dựng. Thị trấn sa mạc nhỏ ở miền nam California, nơi gia đình Audra sống rất xa Thượng Hải, "Thủ đô thương mại" của Trung Quốc, vậy mà chị Audra lại mang nặng đẻ đau 2 bé trai sống với hai người cha của mình ở bên kia bán cầu.
Hơn 10 năm trước, Audra mang thai hộ cho bạn mình là một cặp đôi người Mỹ đồng tính, nhưng việc không thành. Vài năm sau đó, chị thử lần nữa, lần này qua công ty có tên Dịch vụ đẻ thuê Bờ Tây. Mỗi ca mang thai hộ, người mẹ có thể kiếm được từ 35.000-45.000 USD.
“Chuyện đó không phải vì tiền. Quả thật tiền giúp trang trải mọi thứ, từ việc khám thai đến quần áo khi bụng to dần ra, nhưng đó không phải là lý do. Tôi làm điều đó vì chỉ muốn giúp người khác”. Amy Kaplan, người sáng lập Dịch vụ đẻ thuê Bờ Tây ước tính rằng, 40% khách hàng của họ là từ Trung Quốc và 1/3 trong số đó là các gia đình LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới).
Đến Mỹ bằng visa du lịch chữa bệnh
Một trường hợp khác, Linda Zhang, một phụ nữ hiếm muộn, cũng sống ở Thượng Hải từng phải bỏ cuộc sau khi tìm hiểu các đường dây ngầm đẻ thuê ở Trung Quốc. “Sau đó, tôi nghe bạn bè nói rằng ở Mỹ đã có luật đẻ thuê và thủ tục đã cải tiến hơn nhiều, vì tôi đã quyết định đến Mỹ”. 14 tháng sau, Linda Zhang và chồng bà đã trở về Thượng Hải với cậu con trai mới sinh của họ.
Tại Mỹ, bà Zhang, 43 tuổi đã làm việc với một trung tâm mở dịch vụ đẻ thuê Extraordinary Conceptions (Thụ thai Lạ thường), từ đó được gặp bác sỹ, luật sư tư vấn và tìm người mang thai hộ. Các cặp hiếm muộn này có xu hướng tìm người hiến trứng là phụ nữ gốc Hoa hoặc người châu Á. Cả quá trình này mất khoảng 15 tháng và cần tới Mỹ vài lần. Tổng cộng, chi phí mà bà Linda Zhang mất khoảng 150.000 USD. Mức phí này là trung bình và khách hàng có thể phải bỏ ra nhiều hơn nếu trẻ sinh non hoặc có vấn đề bất ngờ về sức khỏe.
Trung bình mỗi tháng Extraordinary Conceptions nhận được 10 yêu cầu và đến nay đã phục vụ hàng trăm cặp đôi người Trung Quốc muốn đẻ thuê ở Mỹ. Họ còn thuê 5 người thông thạo tiếng Trung phiên dịch và trợ giúp để công việc thuận lợi hơn.
Ngành công nghiệp đẻ thuê ở Mỹ có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn Ấn Độ, Nga hay Thái Lan, trước hết là do luật thông thoáng. Các cặp vợ chồng người Trung Quốc thường đến Mỹ bằng visa du lịch, hình thức là du lịch chữa bệnh. Nhiều người chọn California, vì luật của bang này bảo vệ quyền cha mẹ tốt hơn cả. Các bậc cha mẹ nhờ mang thai hộ có thể dễ dàng ghi tên của họ trên giấy khai sinh của đứa con, với nơi khác thì thủ tục giấy tờ phức tạp hơn nhiều.
Đứa trẻ sinh ra đương nhiên mang quốc tịch Mỹ
Ngoài việc “lách” chính sách một con của Trung Quốc, dịch vụ đẻ thuê còn có ưu điểm lớn hơn: Đứa trẻ sinh ra đương nhiên là công dân Mỹ và đến khi được 21 tuổi, nó có thể bảo lãnh để cha mẹ có được thẻ xanh, thẻ cư trú tại Mỹ. Hiện tại chính quyền Mỹ thắt chặt hơn quy định này nên một số trung tâm dịch vụ đẻ thuê cũng cẩn thận hơn trong sàng lọc ứng viên, họ yêu cầu các cặp vợ chồng phải chứng minh được lý do y tế để tìm người đẻ thuê.
Nhận thấy đây là thị trường béo bở, Linda Zhang và chồng sau khi có được đứa con đã thành lập một doanh nghiệp môi giới đẻ thuê riêng, trong đó thu phí khoảng 15.000 USD giúp các cặp vợ chồng Trung Quốc tìm các trung tâm đẻ thuê ở Mỹ, dịch tài liệu chính thức và xin thị thực. Tương tự, Tony Jiang và vợ ông đã có 3 đứa con được đẻ thuê tại Mỹ. Hiện giờ Tony Jiang đang điều hành DiYi Consulting, một dịch vụ kết nối các cặp vợ chồng hiếm muộn Trung Quốc với các trung tâm đẻ thuê tại Mỹ.
Đối với cả hai cặp đôi nói trên, họ đưa con về Trung Quốc một cách rất suôn sẻ. Một khi có giấy khai sinh và hộ chiếu Mỹ cho con, họ trở về Thượng Hải mà không gặp rắc rối pháp lý nào. Trong khi chính quyền Trung Quốc gần đây truy kích mạnh dịch vụ đẻ thuê bất hợp pháp, công việc làm ăn của gia đình Jiang và Zhang không bị ảnh hưởng bởi như lời bà Linda Zhang khẳng định: “Các dịch vụ đẻ thuê của chúng tôi được thực hiện ở Mỹ. Không có trường hợp nào làm tại lãnh thổ Trung Quốc cả”.
Theo Yến Chi
An ninh Thủ đô