1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi quanh chuyện đẻ thuê ở Australia

Giới chức Australia đang xem xét lại các thỏa thuận về việc mang thai hộ quốc tế sau vụ việc một cặp vợ chồng người Australia bị cáo buộc bỏ lại một đứa con ruột bệnh tật cho người mang thai hộ ở Thái Lan.

Người phụ nữ mang thai hộ có tên Pattaramon Chanbua, 21 tuổi, sống ở tỉnh Chonburi của Thái Lan. Cô gái kiếm sống bằng nghề bán hàng rong này được cho là đã nhận 16.000 USD để đẻ thuê cho cặp vợ chồng David và Wendy Farnell đến từ miền tây Australia. Sau 9 tháng mang thai, Pattaramon Chanbua đã sinh đôi một trai một gái vào tháng 12 năm ngoái.

Bé Gammy và mẹ Pattaramon Chanbua. Ảnh: AFP
Bé Gammy và mẹ Pattaramon Chanbua. Ảnh: AFP

Tuy vậy, theo lời cô, cặp vợ chồng người Australia chỉ nhận bé gái khỏe mạnh đưa về nước nuôi dưỡng trong khi bỏ lại bé trai bị hội chứng down và bệnh tim bẩm sinh ở Thái Lan. Bé trai được đặt tên là Gammy vẫn sống với cô Chanbua kể từ khi ra đời nhưng hiện bé phải nằm viện vì bệnh tật hành hạ.

Vụ việc sau đó phát sinh nhiều tình tiết phức tạp khi bố ruột của Gammy lên tiếng phủ nhận việc họ biết về sự tồn tại của bé. Cũng có tin cho hay người bố này là từng bị kết tội ấu dâm và như thế cô Chanbua có quyền được đòi con gái về nuôi. Tiếp đó, lại có quan chức Australia cho rằng bé Gammy có thể được cấp quốc tịch Australia để được đưa sang chữa trị tại Australia.

Vụ việc bé Gammy đã hé lộ phần nào sự phức tạp của loại hình dịch vụ mang thai hộ đã và đang bùng nổ khắp nơi như một nhu cầu thực tế nhưng lại chưa được hợp pháp hóa ở nhiều nước vì còn nhiều vấn đề tranh cãi.

Tại Thái Lan, mang thai hộ đã trở thành một ngành hái ra tiền với doanh thu nhiều triệu USD trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Thái Lan không có luật hay văn bản nghị định nào liên quan trực tiếp đến mang thai hộ và nhà chức trách nước này đang mở chiến dịch trấn áp các cơ sở y tế có dịch vụ mang thai hộ thương mại mà họ cho "bất hợp pháp".

Trong vụ việc kể trên, giới chức y tế Thái Lan cho rằng với việc nhận 16.000 USD từ người thuê đẻ, cô Chanbua rõ ràng đã vi phạm luật chống buôn người của Thái Lan và có thể phải ra tòa.

Trong khi đó, phát biểu đầu tuần này, Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia, Scott Morrison, thừa nhận môi trường pháp lý xung quanh vấn đề mang thai hộ quốc tế "rất âm u" và Chính phủ Australia đang xem xét lại các quy định để xem có thể làm được gì. Theo ông Morrison, "có rất nhiều người Australia khao khát được làm bố làm mẹ", nhưng đó không phải là lý do để ủng hộ việc mang thai hộ, đặc biệt là qua những gì được chứng kiến trong trường hợp bé Gammy.

Trong những năm gần đây, thuê đẻ đang ngày càng trở thành một lựa chọn phổ biến cho những cặp hiếm muộn và những nước như Mỹ, Ấn Độ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu cho những người muốn có con ruột mà không phải hoặc không thể "mang nặng đẻ đau".

Tuy nhiên, vấn đề này có thể vấp phải những rào cản pháp lý. Ví dụ tại Australia, đẻ thuê bị cấm trong nước nhưng các thỏa thuận mang thai hộ thương mại quốc tế lại là hợp pháp tại một số bang. Người dân từ New South Wales, Queensland và Vùng Thủ đô Australian - khu vực nhỏ bao gồm cả thủ đô Canberra - bị cấm tham gia các thỏa thuận thuê đẻ thương mại ở nước ngoài, song điều này lại được cho phép tại Tây Australia, Victoria và Nam Australia.

"Surrogacy Australia" - một tổ chức phi vụ lợi chuyên tư vấn cho những người mang thai hộ cũng nói rằng vấn đề pháp lý trong nội bộ Australia rất phức tạp và nhà chức trách cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể liên quan vấn đề này.

Bà Rachel Kunde thuộc "Surrogacy Australia" cho biết: "Chúng tôi muốn thấy một lối tiếp cận tốt hơn cho các thỏa thuận mang thai hộ trong nước và chúng tôi cũng muốn chính phủ cung cấp hướng dẫn liên quan các thỏa thuận mang thai hộ quốc tế".


Theo Đỗ Sinh
Tin tức/TTXVN