1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người "se duyên" đặc biệt của quan hệ Việt - Mỹ

(Dân trí) - Trong căn phòng làm việc ở Hà Nội, bà Virginia Foote treo trang trọng tấm bản đồ lớn hình chữ S, những bức ảnh kỷ niệm và các bài báo được cắt đóng khung cẩn thận.

Người se duyên đặc biệt của quan hệ Việt - Mỹ - 1

Bà Virginia Foote treo trang trọng những kỷ niệm về Việt Nam trong phòng làm việc tại Hà Nội.

Điểm chung của những chiếc khung tranh là đều liên quan tới mối quan hệ Việt - Mỹ mà bà đã làm việc suốt hơn 30 năm qua.

Vào ngày 11/7/1995, Mỹ và Việt Nam đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Nhưng phải mất 20 năm mới đi tới dấu mốc lịch sử ấy và nhiều người ở cả hai phía đã phải rất nỗ lực trong suốt một thời gian dài để cố gắng đưa hai cựu thù quay lại “nói chuyện” với nhau sau nhiều năm cắt đứt quan hệ. Bà Virginia Foote, người vẫn được biết tới với cái tên thân mật là Ginny, là một trong số đó.

Chuyến đi "phá băng"

Bà Ginny đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1989, tức là 6 năm trước khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.

“Ban đầu là tình cờ. Khi đó tôi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại thủ đô Washington chuyên về các vấn đề chính sách đối ngoại. Lãnh đạo của tôi từng là một thành viên chính trong phái đoàn đàm phán của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1988, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khi đó là Nguyễn Cơ Thạch đã lần đầu tiên mời ông ấy đến Việt Nam. Đến năm 1989, tôi đã tháp tùng ông đến thăm Việt Nam”, bà Ginny để về chuyến thăm của cựu Đại sứ Mỹ William H. Sullivan và sự khởi đầu mối lương duyên của bà đối với quan hệ Việt - Mỹ.

Cũng từ chuyến thăm đó, năm 1989, bà Ginny và Đại sứ Sullivan đã đồng sáng lập Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt (USVTC), trực thuộc Trung tâm Quốc tế tại Washington D.C, nơi bà hiện vẫn giữ vai trò chủ tịch. Dưới sự nỗ lực của bà, USVTC luôn đi đầu trong các nỗ lực vận động dư luận, chính phủ và quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận, tiến đến bình thường hoá với Việt Nam.

Bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là một quá trình mà Ginny nói là không hề dễ dàng. Người Mỹ khi đó chỉ biết tới Việt Nam thông qua chiến tranh và vì sau chiến tranh hai nước không có mối quan hệ nào, không có đại sứ, không có trao đổi nhân sự, do đó các cuộc tranh luận tại Mỹ hầu hết là về chuyện liệu cuộc chiến có còn tiếp diễn hay không, dù trên thực tế nó đã kết thúc từ lâu.

“Ban đầu, tôi chủ yếu làm việc về các vấn đề di sản chiến tranh, hoàn toàn từ góc độ của Mỹ. Đó là một vấn đề chính trị rất nóng bỏng tại Mỹ vào thời điểm đó. May mắn là chính phủ của các bạn đã nhất trí rằng chúng tôi có thể tập trung vào các vấn đề của phía Mỹ trước tiên, sau đó là các vấn đề của phía Việt Nam”, bà kể lại.

Kỷ niệm con gái làm "loa phát thanh" 

Ginny vẫn nhớ ngày lịch sử của quan hệ Việt - Mỹ 25 năm về trước. “Tôi đã được mời tới Nhà Trắng và tôi đã ở đó khi Mỹ Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến thời khắc lịch sử”, bà nhớ lại.

Ginny cho hay, ở Việt Nam, mọi người đều biết từ “cấm vận”, trong khi phần lớn người Mỹ không biết nó là gì. Nhưng con gái bà đã nghe mẹ nói điều đó suốt những năm cô bé còn rất nhỏ. Và bà đã có một kỷ niệm vui về con gái liên quan tới sự kiện bình thường hóa quan hệ.

“Khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ năm 1995, tôi đã có một bữa tiệc tối ngay tại nhà, rất thân mật, khi mọi người đến và trò chuyện. Lúc đó, con gái tôi còn nhỏ và bất cứ ai đến cửa cô bé đều chạy ra và nói lớn với giọng vui mừng rằng “Lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ. Lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ”. Tôi còn nhớ một nghị sĩ từ Alaska khi đó, mà hiện nay cũng có con gái là một nghị sĩ, đã ghé thăm nhà tôi và con gái cũng chạy ra khoe như thế”.

Ginny nói con cái bà đã lớn lên cùng sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ. “Con gái tôi còn quá nhỏ để hiểu mọi thứ nhưng nó rất buồn khi kể với các bạn ở trường về việc mẹ làm việc về Việt Nam, tại Việt Nam hoặc với Việt Nam, và tất cả mọi người đều hỏi “Ở đó có nguy hiểm không? Ở đó còn chiến tranh không? Con bé đã trả lời dứt khoát: “Không, cuộc chiến đã kết thúc rồi”, bà Ginny nhớ lại.

Người se duyên đặc biệt của quan hệ Việt - Mỹ - 2

Bà Ginny gìn giữ bức ảnh chụp cố Đại sứ Mỹ William H. Sullivan và cố Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch trong một cuộc gặp. 

May mắn là thời điểm đó việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ nhận được sự ủng hộ của rất đông các nghị sĩ Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, như John McCain, John Kerry, Bob Kerry, Al Gore… Tất cả họ đều có sức ảnh hưởng lớn. “Vẫn có những người khác tham gia vào quá trình hòa giải, nhưng các nghị sĩ này đã trở thành một nhóm những người quyền lực thúc đẩy mạnh mẽ việc bình thường hóa với Việt Nam”, bà nói.

Thời gian đầu, bà đôi khi không tránh được cảm giác giận dữ về sự chậm trễ của chính phủ ở cả hai phía, nhưng rốt cuộc hai nước đã thay đổi lịch sử, dù lịch sử không thay đổi nhanh chóng.

“Rất vinh dự và có ý nghĩa khi tôi được tham gia và chứng kiến một phần của lịch sử. Tôi cố gắng trở thành cầu nối giữa hai bên, giữa những người từng không muốn lắng nghe hoặc trò chuyện với nhau sau chiến tranh. Có thể nói đó là một hành trình tuyệt vời và tôi không có gì phàn nàn về điều đó”, bà Ginny nói.

Trong 15 năm đầu làm việc với Việt Nam, bà Ginny sống tại sống ở thủ đô Washington, nhưng khi các con vào đại học, bà chuyển hẳn tới Việt Nam. “Tôi sắp xếp thời gian để chuyển tới đây kể từ đó. Tôi đã sống tại Hà Nội khoảng 13 năm rồi”, bà kể. Ginny cho hay, sau hơn 30 năm qua, công việc của bà giờ đây đã thay đổi và chuyển hướng hoàn toàn sang phía Việt Nam.

Ginny đã đồng hành xuyên suốt quá trình xây dựng quan hệ Việt - Mỹ, từ hòa giải tới phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước. Bà tham gia tích cực vào các hoạt động giải quyết di sản chiến tranh như tìm kiếm người mất tích, rà phá bom mìn chưa nổ, tẩy rửa dioxin, hỗ trợ người khuyết tật…

“Qua thời gian, chính phủ Mỹ đã gia tăng ủng hộ giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh, vì nó trở nên ít tranh cãi hơn tại Mỹ và cũng mọi việc cũng trở nên dễ dàng hơn tại Việt Nam. Tôi cho là như vậy là khá thành công. Phần lớn tài trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ nhưng các nguồn tài trợ đã tăng lên trong những năm qua”, bà nói.

"Hiến kế" phát triển kinh tế Việt Nam 

Khi quan hệ Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ sang các lĩnh vực thương mại, bà tiếp tục mở rộng công việc từ hỗ trợ giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh sang thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Bà đã có những đóng góp hiệu quả và tích cực vào việc đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), thoả thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO và việc chính phủ Mỹ áp dụng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.

Với các cương vị từng nắm giữ như Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC và chủ tịch Liên minh WTO Mỹ - Việt (năm 2006), Phó Chủ tịch của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (2014-2017), và hiện tại là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Bay Global Strategies và Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ (Amcham), bà Ginny đã tích cực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin cho doanh nghiệp Mỹ về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế.

Nhận định về các cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước, bà Ginny cho rằng hai nước vẫn có tiềm năng lớn để tăng cường quan hệ thương mại, đặc biệt sau dịch Covid-19. Bà nhận định, một số công ty đa quốc gia tại Trung Quốc đang cân nhắc bổ sung hoặc chuyển dịch các chuỗi cung ứng đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam rất có cơ hội tốt để thu hút đầu tư.

“Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 rất đáng tự hào. Các bạn cũng có một hệ thống chính trị ổn định, y tế ổn định vì Covid-19 đã được kiểm soát. Tôi cho rằng các công ty rất ấn tượng với Việt Nam, vì vậy nếu họ có thể đang suy nghĩ tới các các điểm đến như Indonesia, Thái Lan thì họ cũng có thể cân nhắc tới Việt Nam”.

Tuy nhiên, bà Ginny cho rằng để hấp dẫn các công ty nước ngoài thì Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng tốt hơn. “Nếu tham gia chuỗi cung ứng, bạn phải thực sự chắc chắn là có cơ sở hạ tầng tốt. Việt Nam cũng cần có thêm các lao động lành nghề, các kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin để gia tăng chuỗi giá trị. Ngoài ra, vẫn có các công ty phàn nàn về tình trạng quan liêu, các thủ tục hành chính rườm rà và họ cũng lo ngại về vấn đề tham nhũng”.

“Đó là các vấn đề mà Amcham và tôi luôn nỗ lực. Thế giới luôn có những điều cần phải tiến bộ, không nơi nào là hoàn hảo cả. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang cố gắng trợ giúp Việt Nam bắt kịp điều mà các công ty toàn cầu đang mong đợi. Nhưng bản thân các bạn phải có những động thái nhằm thu hút các nhà đầu tư và chúng tôi đang trợ giúp điều đó”, bà nói.

Là một trong những người tham vấn cho Việt Nam đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Ginny không giấu giếm sự tiếc nuối khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Tuy nhiên, bà Ginny cho rằng CPTPP - phiên bản tiến bộ hơn của TPP và không có Mỹ - vẫn là một hiệp định có tầm quan trọng chính trị và chiến lược đối với Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ.

“Có thể là 1 năm, 2 năm, thậm chí 3 năm, nhưng tôi nghĩ đến một thời điểm nào đó Mỹ sẽ muốn có hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, vì vậy chúng ta cần sẵn sàng. TPP mang tiêu chuẩn rất cao nhưng Việt Nam đã làm được. Các cuộc đàm phán FTA kế tiếp có thể còn khó khăn hơn, vì vậy thật tuyệt vời khi Việt Nam đã làm được với CPTPP. Việt Nam đã phê chuẩn EVFTA với Liên minh châu Âu thì Việt Nam cũng cần sẵn sàng cho một hiệp ước tương tự với Mỹ”, bà nói.

Chia sẻ về những ưu tiên hiện tại, Ginny cho biết hiện bà đang tích cực hỗ trợ Việt Nam về năng lượng sạch, các vấn đề kinh tế tuần hoàn, chất lượng không khí, các vấn đề môi trường. Bà cũng muốn làm nhiều hơn về lĩnh vực rác thải nhựa, tái chế và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực tái chế.

Hiểu về lịch sử để xây dựng tương lai

“Dù có sự thay đổi các đời tổng thống ở Nhà Trắng hay các thế hệ lãnh đạo tại Việt Nam thì quan hệ Việt - Mỹ vẫn không thay đổi, ngày càng sâu sắc và phát triển rộng hơn. Quan hệ nhân dân, giáo dục, kinh tế, quốc phòng rất tốt và sẽ còn tiến triển hơn nữa trong tương lai”, bà Ginny nhận định.

Nhìn lại hành trình 1/4 thế kỷ của quan hệ Việt - Mỹ và những năm tháng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bà Ginny cho rằng đó là một chặng đường thành công khi mối quan hệ này luôn ở trạng thái năm sau tốt hơn năm trước.

Ginny cho hay, trong suốt thời gian làm việc tại Việt Nam, bà chỉ một lần duy nhất gặp một người Việt tỏ thái độ không thích bà.

“Tôi gặp người phụ nữ trong một cửa hàng. Ban đầu bà ấy có thể nghĩ tôi là người Pháp, nhưng khi biết tôi là người Mỹ, bà lặng lẽ đưa tôi ra khỏi cửa hàng. Bà ấy không nói gì cả, không la hét. Đó là lần đầu tiên tôi gặp tình huống như vậy, nhưng cũng không hẳn là một trải nghiệm tồi tệ. Có thể bà ấy đã mất những người con trong cuộc chiến, tôi cũng không biết câu chuyện thật sự phía sau là gì, nhưng tôi tôn trọng bà ấy”, Ginny nói.

Ginny nói bà rất ấn tượng khi Việt Nam đã sang một trang sử mới sau nhiều cuộc chiến tranh và luôn hướng về phía trước. Tất cả những người Mỹ tới Việt Nam đều bất ngờ và ấn tượng với điều đó.

Dù đồng tình rằng nhiều người Mỹ chỉ biết tới Việt Nam thông qua chiến tranh nhưng bà Ginny cho rằng chính điều đó đã tạo ra sự tò mò và Việt Nam trở nên được quan tâm hơn đối với công chúng Mỹ. Bà cho rằng điều quan trọng là cần phải hiểu lịch sử và rút ra các bài học từ lịch sử. Bà cảm thấy vui khi cuộc chiến tranh Việt Nam hiện vẫn còn được giảng dạy trong các ngôi trường tại Mỹ để mọi người không quên lịch sử và rút ra các bài học của lịch sử.

Ginny cũng nhắc tới các sự kiện quan trọng gần đây trong quan hệ Việt - Mỹ, như hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cho rằng đó không chỉ là minh chứng cho quan hệ giữa hai nước mà còn là cơ hội tuyệt vời để quảng bá Việt Nam với thế giới.

“Các bạn đã làm rất tốt. Báo chí đã ấn tượng với Việt Nam. Với khoảng 3.000 nhà báo quốc tế, mỗi người trong số họ có thể kể một câu chuyện như Việt Nam ngày nay ra sao, chuyện đi xe máy thế nào, hay có thể là trải nghiệm đầu tiên của họ tới Hà Nội - một thành phố tuyệt vời”, bà Ginny nói.

Ginny sống ở Hà Nội trong khi phần lớn gia đình vẫn ở thủ đô Washington và bà vẫn cố gắng đi về giữa hai nơi, dù điều đó không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được như trong thời dịch Covid-19.

“Các thành viên trong gia đình tôi đã đến thăm Việt Nam nhiều lần và đều yêu mến đất nước này. Bố mẹ tôi đến Việt Nam khi cha tôi đã 84 tuổi. Họ đã có những trải nghiệm không thể tuyệt vời hơn”, bà nói.

Với những đóng góp to lớn cho quan hệ Việt - Mỹ, bà Virginia Foote đã vinh dự được tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình Hữu nghị giữa các dân tộc” của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vào năm 2007 và Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2016.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm