1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người quay video sốc vì bị chỉ trích không cứu George Floyd

(Dân trí) - Một người qua đường quay cảnh George Floyd bị cảnh sát Mỹ ghì chết cho biết cô bị sốc khi nhận nhiều tin nhắn chỉ trích vì không "chiến đấu" với cảnh sát thay vì đứng quay.

Những phút cuối của người đàn ông da màu Mỹ trước khi chết
Người quay video sốc vì bị chỉ trích không cứu George Floyd  - 1

George Floyd bị cảnh sát ghì đầu tại Minneapolis. (Ảnh: Dailymail)

Darnella Frazier là người đã quay đoạn video ghi lại cảnh George Floyd bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Minneapolis trước khi qua đời hôm 25/5. Đoạn video đã gây rúng động nước Mỹ và châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình trong những ngày gần đây. Trong khi đó, cô gái 17 tuổi cũng trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích.

Trên trang Facebook cá nhân, Frazier cho biết cô đã nhận được nhiều câu hỏi tại sao không “chiến đấu” với cảnh sát thay vì đứng quay đoạn video dài gần 10 phút, trong khi cảnh sát đang ghì đầu người đàn ông da màu. Đáp lại, Frazier nói rằng vì còn quá trẻ nên lúc đó cô cảm thấy sợ hãi và không thể can thiệp để chống lại cảnh sát hoặc giúp đỡ Floyd.

“Tôi không mong bất kỳ ai không ở trong hoàn cảnh của tôi có thể hiểu tại sao tôi làm như vậy và cảm giác của tôi khi đó như thế nào”, Frazier viết trên Facebook.

Frazier giải thích rằng, lý do cô không can thiệp vào vụ việc vì cô không muốn có thêm bất kỳ ai bị giết hoặc bị rơi vào hoàn cảnh tương tự Floyd. Cô cũng sợ bị cảnh sát trả thù.

“Nếu không phải vì tôi, 4 cảnh sát kia có lẽ sẽ không mất việc và cũng không xảy ra những vấn đề khác. Cảnh sát chắc chắn sẽ che đậy câu chuyện này. Thay vì chỉ trích, hãy cảm ơn tôi! Vì nếu đó là một trong số người thân của bạn, bạn cũng muốn biết sự thật”, Frazier cho biết thêm.

Bốn cảnh sát có liên quan tới cái chết của George Floyd đã bị sa thải. Derek Chauvin, sĩ quan cảnh sát trực tiếp ghì đầu Floyd, đã bị truy tố tội giết người cấp độ ba. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Floyd đã chết vì “ngạt thở do lực tác động từ bên ngoài”.

Trước đó, trong khoảng thời gian xảy ra vụ việc, Floyd từng cố van xin rằng “không thở được”, nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục ghì đầu anh.

Một ngày sau khi xảy ra vụ việc, Frazier đã quay trở lại hiện trường nơi Floyd bị cảnh sát bắt giữ. Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng sau đó, Frazier nói: “Tôi đã chứng kiến người đàn ông đó chết”, rồi bật khóc. Cô cũng ôm những người biểu tình khác đang có mặt tại hiện trường.

“Tôi đã đăng đoạn video vào tối qua và nó đã gây sốt. Mọi người hỏi tôi cảm thấy thế nào. Tôi không biết nói sao vì câu chuyện đó quá buồn. Anh ấy đã từng ở đây, vào lúc 8 giờ tối qua. Tôi đang đi bộ tới cửa hàng và nhìn thấy anh ấy trên mặt đấy. Tôi nghĩ: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Thật ám ảnh”, Frazier nói.

Luật sư của Frazier cho biết cô đang phải điều trị vì cú sốc vừa trải qua sau cái chết của George Floyd. Trong khi đó, những người ủng hộ Frazier yêu cầu phải có sự bảo vệ tốt hơn dành cho cô gái này.

“Tôi biết cô ấy đang hồi phục tốt và dường như vẫn suy nghĩ tích cực, đó là điều đáng khích lệ”, luật sư Seth B. Cobin nói với trang tin Daily News.

Là nhân chứng của vụ việc, Frazier đã có cuộc trao đổi với các các nhà chức trách từ Bộ phận Quyền Dân sự thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Quản lý Tội phạm Minnesota vào ngày 30/5 để cung cấp lời khai. Frazier và gia đình cô đã quyết định không ở lại nhà của họ - nơi nằm gần hiện trường vụ việc.

Cái chết của George Floyd đã thổi bùng cơn giận dữ trên khắp nước Mỹ, dẫn đến các cuộc biểu tình, cướp phá, hôi của và phá hoại tài sản. Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại ít nhất 140 thành phố, trong đó hơn 40 khu vực đã áp lệnh giới nghiêm để kiểm soát bạo loạn.

Thành Đạt

Theo NY Daily News