Người đầu tiên thiệt mạng trong biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar
(Dân trí) - Một nữ sinh viên Myanmar thiệt mạng khi xuống đường phản đối quân đội đảo chính, trở thành người đầu tiên qua đời trong phong trào biểu tình lan rộng khắp quốc gia Đông Nam Á.
Mya Thwe Thwe Khine, nữ sinh viên 20 tuổi, đã bị trúng đạn vào đầu hồi cuối tuần qua khi xuống đường biểu tình ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar, nhằm phản đối vụ đảo chính quân sự hôm 1/2. Mya là người đầu tiên thiệt mạng trong phong trào biểu tình lan rộng khắp Myanmar những ngày qua.
Mya là 1 trong 2 người rơi vào tình trạng nguy kịch hôm 9/2 khi cảnh sát Myanmar nổ súng, xịt hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông trong các cuộc biểu tình khắp cả nước, khiến ít nhất 20 người biểu tình bị thương.
Cuộc biểu tình ở Naypyidaw biến thành bạo lực khi lực lượng an ninh bắn súng cao su vào người biểu tình. Tuy nhiên, các bác sĩ nói với AFP rằng có ít nhất 2 người bị thương nặng do trúng đạn thật.
Ngày 19/2, một nhân viên y tế xác nhận Mya đã tử vong vào 11h sáng và thi thể cô sẽ được khám nghiệm vào 15h.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Myanmar Zaw Min Tun - người từng là phát ngôn viên của quân đội - xác nhận rằng Mya đã bị bắn và cho biết chính quyền sẽ điều tra vụ việc.
Thông tin về vụ tử vong được công bố trong bối cảnh số lượng người biểu tình trên khắp Myanmar đã tăng lên hàng trăm nghìn người kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước vào ngày 1/2.
Phong trào biểu tình ở các thành phố lớn nhằm phát đi 3 nguyện vọng chính: Thả tự do cho các lãnh đạo dân sự bị quân đội bắt hồi đầu tháng, thừa nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020 mà quân đội cáo buộc gian lận và quân đội phải rút khỏi chính trị.
Trước làn sóng biểu tình lan rộng, quân đội Myanmar nhiều lần khẳng định sẽ tiến hành một cuộc bầu cử công bằng và trao lại quyền lực cho đảng nào chiến thắng, đồng thời cảnh báo sẽ hành động nếu người dân không quay lại làm việc mà tiếp tục biểu tình.
Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính. Mỹ, Anh, Canada, Na Uy, New Zealand đã đưa ra động thái trừng phạt hoặc cắt đứt quan hệ với quân đội và chính phủ do quân đội kiểm soát của Myanmar để bày tỏ quan điểm không đồng tình.