Bà Aung San Suu Kyi đối mặt cáo buộc mới, bạo lực leo thang tại Myanmar
(Dân trí) - Cựu Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm luật quản lý thảm họa quốc gia, sau cáo buộc đầu tiên về nhập khẩu thiết bị liên lạc trái phép.
Theo Khin Maung Zaw, luật sư của cựu Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, cảnh sát Myanmar ngày 16/2 đã đưa ra cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thảm họa Quốc gia đối với bà Aung San Suu Kyi.
"Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc theo điều 8 của Luật Xuất khẩu Nhập khẩu và điều 25 của Luật Quản lý thảm họa Quốc gia", luật sư Aung San Suu Kyi cho biết.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm Luật Quản lý thảm họa Quốc gia trong trường hợp nào. Trước đó, Tổng thống bị phế truất Win Myint cũng bị cáo buộc vi phạm luật này.
Bà Aung San Suu Kyi từng bị cáo buộc vi phạm luật xuất nhập khẩu khi mua trái phép bộ đàm từ nước ngoài. Cảnh sát phát hiện 6 bộ đàm được nhập khẩu và sử dụng trái phép tại nhà riêng của bà Aung San Suu Kyi ở thủ đô Naypyidaw.
Theo luật sư, cả bà Aung San Suu Kyi và ông Win Myint dự kiến sẽ xuất hiện qua video trong phiên tòa ngày 1/3. Người phát ngôn quân đội Myanmar Zaw Min Tun cho biết cả hai cựu lãnh đạo đều "khỏe mạnh" và đang ở "một nơi an toàn hơn".
"Họ không giống như bị bắt, mà như đang ở nhà của mình", người phát ngôn quân đội Myanmar cho biết.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và giành quyền kiểm soát đất nước. Quân đội cũng ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, sau khi cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.
Quân đội Myanmar tuần này tiếp tục cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới và trao lại quyền lực cho đảng giành chiến thắng trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục lan rộng. Thống tướng Min Aung Hlaing cũng cam kết sẽ chuyển giao quyền lực sau bầu cử.
Hàng chục nghìn người Myanmar vẫn xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn như Yangon và Mandalay, trong khi quân đội đã phát đi cảnh báo cứng rắn. Người biểu tình phản đối đảo chính cũng như chính quyền do quân đội lãnh đạo, đồng thời đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.
Liên Hợp Quốc cảnh báo bạo lực leo thang ở Myanmar
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Tom Andrews ngày 16/2 cảnh báo nguy cơ bạo lực leo thang tại quốc gia Đông Nam Á khi các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra.
"Tôi lo ngại rằng vào ngày 17/2 tại Myanmar có khả năng diễn ra bạo lực trên quy mô lớn hơn những gì chúng ta đã chứng kiến, kể từ sau vụ tiếp quản chính quyền bất hợp pháp hôm 1/2. Chúng ta có thể chứng kiến quân đội gây ra những tội ác lớn chống lại người dân Myanmar", đặc phái viên Liên Hợp Quốc cho biết.
Súng cao su, hơi cay, xe bọc thép, thậm chí súng có đạn đã được sử dụng để giải tán đám đông biểu tình. Một số người đã bị thương, trong đó có một phụ nữ gặp tình huống nguy kịch sau khi trúng đạn vào đầu ở thủ đô Naypyidaw tuần trước.
Quân đội cho biết một sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng ở Mandalay sau vụ đối đầu với người biểu tình hôm 14/2. Hơn 450 người đã bị bắt kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính tại Myanmar. Nhiều nước đã lên án bạo lực và kêu gọi kiềm chế căng thẳng tại Myanmar.