Người dân thế giới ngày càng chuộng mỳ ăn liền
(Dân trí) - Người tiêu dùng trung lưu trên khắp thế giới đang chuyển sang tiêu thụ mỳ ăn liền với số lượng lớn, kể cả ở những quốc gia và vùng lãnh thổ không có truyền thống này.
Trong năm 2022, người tiêu dùng ở hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tiêu thụ số lượng kỷ lục 121,2 tỷ khẩu phần mì ăn liền, theo Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới có trụ sở tại Osaka, Nhật Bản.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ có truyền thống sử dụng mỳ ăn liền vẫn chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng tiêu thụ như thường lệ, dẫn đầu là Trung Quốc, Hong Kong và Indonesia. Việt Nam và Nhật Bản xếp thứ tư và thứ năm.
Vị trí thứ 3 đã thuộc về Ấn Độ, dấu hiệu cho thấy mỳ ăn liền ngày càng phổ biến ở các quốc gia và vùng lãnh thổ mà trước đó ít ai nghĩ tới là có truyền thống tiêu thụ loại thực phẩm này.
Nhu cầu mỳ ăn liền tại Mexico từng tăng vọt 17,2% vào năm 2021, thời điểm nhiều người chuyển sang dùng mỳ ăn liền trong thời gian hạn chế đi lại vì Covid-19. Nhưng năm 2022, con số này vẫn tăng 11%.
Bên cạnh mỳ được chế biến tươi, người Mỹ cũng bắt đầu đón nhận mỳ ăn liền. Theo Guardian, đây là một cách để các hộ gia đình giảm bớt áp lực tài chính do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Nikkei dẫn nhận định của Nissin Foods cho rằng "người tiêu dùng trung lưu trước đây vốn không ăn mỳ ăn liền giờ lại đang kết hợp chúng vào cuộc sống hàng ngày".
Mới đây, Nissin và đối thủ Toyo Suisan tuyên bố sẽ xây mới cơ sở sản xuất tại Mỹ và Mexico trong từ nay cho đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.
"Số lượng người tiêu dùng thường xuyên ăn mì ăn liền đang tăng lên và chúng tôi sẽ tăng thêm sự đa dạng về hương vị", Toyo Suisan cho biết trong một tuyên bố với Nikkei.
Ông Michael Price, chủ tịch Nissin Foods tại Mỹ, cho biết: "Nissin Foods đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng trưởng bền vững qua từng năm, đặc biệt là trong 5 năm qua, nhờ nhu cầu chưa từng có đối với các sản phẩm của chúng tôi".