1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người dân "ngại" tiêm vắc xin, Trung Quốc tung độc chiêu vận động

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong bối cảnh nhiều người dân vẫn còn ngần ngại khi tiêm vắc xin Covid-19, Trung Quốc đã tung ra nhiều chính sách đặc biệt và tăng cường vận động để người dân tiêm chủng.

Người dân ngại tiêm vắc xin, Trung Quốc tung độc chiêu vận động - 1

Một phụ nữ được tiêm phòng ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc  (Ảnh minh họa: AFP)

Đứng trong hàng dài 100 người, cư dân người Bắc Kinh Wang Shuhui khẽ lắc đầu.

Sau 2 lần bị chính quyền ở khu phố triệu tập để đi tiêm phòng vắc xin Covid-19, bà Wang, 60 tuổi, cuối cùng đành phải miễn cưỡng đi tiêm chủng theo yêu cầu.

Biểu ngữ vận động giăng kín đường trong những tuần gần đây, kêu gọi người dân tiêm vắc xin Covid-19.

Để khuyến khích người cao tuổi đi tiêm, chính quyền phường Beixianqiao ở Bắc Kinh thậm chí đã tuyên bố sẽ thưởng 2 vỉ trứng cho những người trên 60 tuổi tiêm đủ 2 liều vắc xin.

"Được tặng trứng không phải vấn đề. Vấn đề là chính quyền khu phố liên tục yêu cầu tôi phải đi tiêm chủng", bà Wang nói.

Tại quận Daxing, chính quyền thị trấn Jiugong tuyên bố tặng phiếu mua sắm thông qua ứng dụng cho các công dân đã được tiêm chủng, hỗ trợ vận chuyển người dân tới các cơ sở tiêm phòng. Chính quyền thị trấn quyết định chi 30,4 triệu USD cho chiến dịch tặng phiếu mua hàng cho người tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Tại nhiều nơi, chính quyền địa phương liên tục tới các cơ sở kinh doanh và nhà dân vận động đi tiêm chủng cho tới khi họ chịu tham gia. Tại một số quận, giới chức yêu cầu các cơ sở kinh doanh, nhà hàng phải dán thông báo hàng ngày ngay ngoài cửa về tỉ lệ nhân viên đã tiêm chủng.

Tốc độ tiêm chủng chậm

Sau khi đặt ra mục tiêu tiêm chủng 40% trong tổng 1,4 tỷ dân vào cuối tháng 6, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm, và họ đã tích cực vận động người dân tiêm chủng dù công chúng lúc này vẫn còn tâm lý không muốn tiêm phòng.

Quan chức địa phương Trung Quốc chịu áp lực phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà người dân vẫn không cảm thấy phải vội vàng tiêm vắc xin Covid-19.

Giới quan sát cho rằng vì Trung Quốc tới thời điểm này kiểm soát dịch khá tốt nên người dân không thấy việc tiêm chủng là cấp bách phải làm ngay. Mặt khác, theo Bloomberg, một trong những yếu tố khác dường như là tâm lý quan ngại về mức độ an toàn và tác dụng phụ của vắc xin trong công chúng Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc xảy ra những bê bối lớn liên quan tới vắc xin nội địa giả, kém chất lượng và điều này khiến một số người bị xói mòn niềm tin.

Trung Quốc hiện đang đi chậm hơn nhiều nước phát triển trong mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng, dù là một trong số ít nền kinh tế lớn tăng trưởng dương trong năm qua.

Tỉ lệ tiêm chủng của Trung Quốc hiện đạt ở mức 8 liều/100 người vào cuối tháng 3, thấp hơn hẳn 44 liều/100 người so với Mỹ và 50 liều/100 người ở Anh.

Tốc độ tiêm chủng chậm chạp có thể ảnh hưởng tới tiến độ mở cửa đón du khách trở lại, trong bối cảnh Trung Quốc sắp trở thành chủ nhà Thế vận hội mùa Đông năm 2022. Ngoài ra, điều đó còn đặt Trung Quốc vào nguy cơ bùng phát ổ dịch mới và tiếp tục phải phong tỏa.

Trong những ngày qua, tốc độ tiêm chủng ở Trung Quốc có dấu hiệu nhanh hơn. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra ngần ngại với việc tiêm vắc xin.

"Công ty tôi liên tục yêu cầu tôi đi tiêm chủng và cho rằng việc từ chối là thiếu nhận thức chính trị. Nhưng khi tôi sẽ chưa tiêm vì khi tôi hỏi công ty rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi có vấn đề sau khi tiêm, thì họ nói rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm", một nhân viên tại một công ty quốc doanh cho hay.

Tony Wong, một doanh nhân, cho biết rằng anh không vội trong việc tiêm phòng vì nếu ra nước ngoài anh vẫn phải cách ly bắt buộc dù đã tiêm chủng vắc xin ở Trung Quốc.

"Nếu tôi có thể xuất ngoại mà không cần cách ly, tôi sẽ tiêm ngay lập tức", Wong cho biết.