1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người biểu tình phủ vải đen lên tư dinh thủ tướng Anh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhóm biểu tình vì môi trường dùng vải đen phủ lên tư dinh của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhằm phản đối chính sách của ông liên quan tới việc khai thác dầu.

Người biểu tình phủ vải đen lên tư dinh thủ tướng Anh - 1

Người biểu tình thả vải đen từ nóc tư dinh ông Sunak xuống (Ảnh: Reuters),

Ngày 3/8, nhóm người biểu tình thuộc tổ chức Greenpeace mang vải đen tới tư dinh của Thủ tướng Anh Sunak ở Yorkshire nhằm phản đối chính sách của chính phủ ông trong việc khai thác dầu.

Các bức ảnh chụp ở hiện trường cho thấy 4 người biểu tình trèo lên nóc nhà ông Sunak, thả vải đen xuống phủ lên tư dinh. Một nhóm khác cầm biểu ngữ ở phía dưới với dòng chữ: "Ông Rishi Sunak - lợi nhuận từ dầu mỏ hay tương lai của chúng ta?".

Sau 2 giờ đồng hồ, 4 người biểu tình vẫn tiếp tục ở trên nóc tư dinh ông Sunak và cầm tấm biển với dòng chữ: "Không (khai thác thêm) mỏ dầu mới".

Greenpeace cho biết họ đang phản đối việc chính phủ Anh ủng hộ cấp giấy phép khai thác dầu khí ở Biển Bắc và đề xuất phát triển mỏ dầu Rosebank của Equinor. Họ kêu gọi ông Sunak hãy trở thành một nhà lãnh đạo vì khí hậu.

Trước đó, ông Sunak tuyên bố rằng ông sẽ thực hiện một "cách tiếp cận phù hợp" đối với vấn đề biến đổi khí hậu, cân bằng giữa mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 với nỗ lực giảm áp lực chi phí năng lượng của người dân.

Điều này đã khiến một số cộng đồng bảo vệ môi trường không đồng thuận và họ đã thực hiện một số chiến dịch phản đối.

Ông Sunak đã đi nghỉ ở California, Mỹ hôm 2/8 và không có mặt ở tư dinh vào thời điểm diễn ra vụ việc. Cảnh sát cho biết họ đã kiểm soát khu vực và không có ai vào bên trong tòa nhà.

Một cuộc biểu tình khác cũng được tổ chức bên ngoài văn phòng của ông Sunak ở số 10 phố Downing, London hôm 3/8.

Vào năm 2019, Anh đã đặt ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã nhanh chóng phát triển cơ sở năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine từ năm ngoái đã khiến chính phủ Anh xem xét về vấn đề an ninh năng lượng. Hồi đầu tuần, Anh cho biết sẽ cấp giấy phép khai thác dầu khí ở Biển Bắc như một phần trong nỗ lực trở nên độc lập hơn về năng lượng.

Trước một số ý kiến trái chiều, ông Sunak ngày 2/8 tuyên bố Anh đã làm tốt hơn nhiều nước lớn khác trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon.

Theo Reuters