1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhóm biểu tình Sri Lanka đốt nhà Thủ tướng, Tổng thống và Thủ tướng từ chức

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cả Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đều thông báo sẽ từ chức trước áp lực từ làn sóng biểu tình vì cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ ở quốc gia Nam Á.

Nhóm biểu tình Sri Lanka đốt nhà Thủ tướng, Tổng thống và Thủ tướng từ chức - 1

Người biểu tình xông vào bên trong dinh tổng thống Sri Lanka (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Sri Lanka Wickremesinghe ngày 9/7 tuyên bố sẵn sàng từ chức và mở đường cho chính phủ mới được thành lập, sau khi người biểu tình đột nhập vào dinh thự của ông ở Colombo. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường thể hiện sự bất mãn với tình hình khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng ở quốc gia này.

Ông Wickremesinghe nói rằng, để đảm bảo sự duy trì của chính phủ, cũng như sự an toàn của toàn bộ người dân, ông sẽ từ chức. Ông Wickremesinghe chưa nộp đơn từ nhiệm lên cho Tổng thống Rajapaksa.

Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp của các lãnh đạo đảng phái tại Sri Lanka. Cuộc họp này đã nhất trí sẽ yêu cầu cả Tổng thống và Thủ tướng nước này từ chức.

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena cho biết Tổng thống Rajapaksa đã thông báo với ông về kế hoạch từ chức vào ngày 13/7.

Tâm lý bất mãn đã gia tăng lên mức chưa từng có tiền lệ ở quốc gia Nam Á có hơn 22 triệu dân hôm 9/7 khi 100.000 người đã tập hợp bên ngoài tư dinh của Tổng thống Rajapaksa để yêu cầu ông này từ chức.

Video do truyền thông đăng tải cho thấy, người biểu tình xông vào dinh tổng thống sau khi phá vỡ hàng rào an ninh do cảnh sát lập ra. Người biểu tình sau đó đột kích vào bên trong tòa nhà, treo băng-rôn trên ban công và bơi trong khu vực bể bơi của dinh tổng thống.

Người biểu tình cũng xông vào khu dinh thự chính thức của Thủ tướng Wickremesinghe ở Colombo. Ngoài ra, họ cũng đột kích vào tư dinh của ông Wickremesinghe ở Fifth Lane và châm lửa đốt tòa nhà này.

Nhóm biểu tình Sri Lanka đốt nhà Thủ tướng, Tổng thống và Thủ tướng từ chức - 2

Tư dinh của thủ tướng bị người biểu tình châm lửa đốt (Ảnh: Reuters).

Cả 2 ông Wickremesinghe và Rajapaksa đều đã được đưa tới nơi an toàn khi người biểu tình xông vào các khu vực nói trên.

Theo hiến pháp Sri Lanka, nếu cả ông Wickremesinghe và Rajapaksa cùng từ chức, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành quyền tổng thống trong tối đa 30 ngày. Quốc hội sẽ chọn ra tổng thống mới sau đó.

Ít nhất 55 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình. Theo các chuyên gia, tình hình khủng hoảng tài chính tồi tệ ở Sri Lanka đã kích hoạt sự phẫn nộ trong dư luận, dẫn tới cuộc biểu tình diện rộng.

Hàng triệu người dân tại quốc gia Nam Á rơi vào cảnh chật vật khi mua các sản phẩm thiết yếu như đồ ăn, thuốc và năng lượng.

Trong vài tháng qua, hàng chục nghìn người đã xuống đường kêu gọi các lãnh đạo nước này từ chức vì cáo buộc quản lý kinh tế yếu kém.

Nhóm biểu tình Sri Lanka đốt nhà Thủ tướng, Tổng thống và Thủ tướng từ chức - 3

Căng thẳng gia tăng dồn dập ở quốc gia Nam Á khi nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất trong nhiều năm qua (Ảnh: Reuters).

Người biểu tình đốt tư dinh của Thủ tướng Sri Lanka

Theo Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm