1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Afghanistan bơ vơ trong trại tị nạn sau những chuyến bay "bão táp"

Thanh Thành

(Dân trí) - Hàng chục nghìn người Afghanistan thở phào khi lên máy bay sơ tán của Mỹ đến Qatar, nhưng giờ đây họ đang ở trong các trung tâm tị nạn đông đúc, lo lắng về một tương lai vô định.

Người Afghanistan bơ vơ trong trại tị nạn sau những chuyến bay bão táp - 1

Các binh sĩ Mỹ chuẩn bị cho những người Afghanistan di tản lên máy bay tại một căn cứ không quân ở Qatar (Ảnh: Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ).

Vừa bước xuống đường băng tại căn cứ quân sự Mỹ vào khoảng 2 giờ sáng, một phụ nữ Afghanistan bất ngờ lao vào giật lấy khẩu súng đang kẹp vào chân một phi công Mỹ.

Khi các nhân viên phục vụ lao vào khống chế, cô hét lên và đập mạnh, đòi tự sát. Sau đó, cô khóc nức nở. Cả gia đình cô đã thiệt mạng khi Taliban nhanh chóng tiếp quản Kabul, giờ đây, cô đã ở cách xa quê hương hàng trăm km và chỉ có một mình.

Kể từ khi Taliban nắm chính quyền, người dân Afghanistan ồ ạt di tản vì lo ngại về thời kỳ cầm quyền đen tối của nhóm này như những năm 1996-2001. Chỉ trong vòng 2 tuần, hơn 5.000 binh sĩ Mỹ ở Kabul đã giúp sơ tán hơn 114.000 người trong một tình cảnh hỗn loạn và bất ổn tại sân bay Kabul.

Tuy nhiên, khi chiến dịch sơ tán quốc tế kết thúc, mọi sự chú ý giờ đây tập trung vào một vấn đề sống còn: số phận của những người tị nạn sẽ ra sao?

Khi những chuyến bay hạ cánh xuống Qatar, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực sơ tán, một số người Afghanistan đã quỳ gối trong nước mắt vì nghĩ rằng họ đã đến Mỹ. Hy vọng đó đã bị dập tắt ngay sau khi họ được đưa đến một trung tâm xử lý người tị nạn do quân đội Mỹ điều hành. Đó là một nhà chứa máy bay lớn ở căn cứ quân sự Al Udeid tại Doha.

Làn sóng người tị nạn khổng lồ đang làm dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề pháp lý, quan liêu và hậu cần. Nhiều người Afghanistan chen lấn lên các chuyến bay có thể không đủ điều kiện để tái định cư ở Mỹ. Sau cảm giác nhẹ nhõm vì được sơ tán là nỗi sợ hãi khi nghĩ về cuộc sống tương lai.

Zahra (tên đã được thay đổi), 28 tuổi, người đã được sơ tán từ tuần trước đến Doha cho biết: "Nếu được đưa đến Mỹ, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra ở đó. Chúng tôi có tìm được việc làm, sẽ có cuộc sống ổn định và tốt hơn không?". Zahra cũng liên tục bị ám ảnh bởi lời cảnh báo của một phiến quân Taliban khi cô thuyết phục được anh ta cho qua cổng sân bay: Một khi cô rời đi, sẽ không bao giờ được phép quay lại.

Zahra cùng với đại gia đình vội vã đến sân bay khi Taliban kiểm soát Kabul. Nhưng cuối cùng, chỉ có Zahra, anh rể của cô và các con của anh qua được cổng. Mẹ cô và nhiều anh chị em bị mắc kẹt trở lại.

Nguy cơ bùng nổ thảm họa nhân đạo

Người Afghanistan bơ vơ trong trại tị nạn sau những chuyến bay bão táp - 2

Khu vui chơi tạm ở trung tâm xử lý người tị nạn tại căn cứ quân sự Al Udeid ở Doha, Qatar (Ảnh: New York Times).

Nhà chứa máy bay đông đúc vì dòng người tị nạn đến ngày càng đông.

Các nhân viên quân sự Mỹ đã làm việc suốt ngày đêm để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, thức ăn và nước uống cho những người được sơ tán đến nay. Trong khi đó, các nhân viên nhập cư kiểm tra từng người. Dòng người đến ngày càng làm dấy lên lo ngại rằng một thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại các trung tâm này.

John F. Kirby, người phát ngôn chính của Lầu Năm Góc, cho biết để giảm bớt căng thẳng cho trung tâm trung chuyển ở Doha, quân đội Mỹ đã bắt đầu đưa người sơ tán đến các căn cứ của Mỹ ở Đức, Italia, Tây Ban Nha và Bahrain. Tại Doha, Mỹ cũng đã bổ sung hơn 100 nhà vệ sinh cùng với dịch vụ dọn dẹp và phục vụ ăn uống.

Nhiều người Afghanistan sau đó cũng được chuyển đến trại As Sayliyah, một căn cứ quân đội cũ ở ngoại ô Doha, nơi các container được chuyển thành khu nhà ở. Tại đây, giới chức Mỹ sẽ thực hiện quá trình kiểm tra kéo dài nhiều tháng để sàng lọc những người Afghanistan làm việc với chính phủ Mỹ và đã nộp đơn xin thị thực nhập cư đặc biệt - một nhóm mà cách đây vài tháng Mỹ dự kiến chỉ vài nghìn người.

Tuy nhiên, thực tế là hàng nghìn người không có hộ chiếu, thị thực hoặc thẻ căn cước vẫn tràn vào sân bay Kabul và được đưa lên các máy bay hướng đến Doha.

"Tình hình rất hoảng loạn. Taliban đã vào sân bay, đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây", Gul, một cảnh sát tại sân bay Kabul nói và cho biết, vợ và 3 đứa con dưới 6 tuổi của anh vẫn ở Kabul. "Tôi không thể ngủ được. Tôi từng là thành viên của lực lượng an ninh và rất lo gia đình tôi sẽ trở thành mục tiêu trả thù của Taliban", anh lo ngại nói thêm.

Mirwais, 31 tuổi, đến căn cứ quân sự ở Qatar vào tuần trước. Từng là phiên dịch viên cho các lực lượng Mỹ và các tổ chức quốc tế, anh đã phải lẩn trốn khi Taliban tiến vào Kabul và quyết định rời đi sau khi bị Taliban truy lùng.

"Nếu ở lại Afghanistan, tôi sẽ bị giết ngay", anh nói. Nhưng với anh hiện nay, mỗi ngày trôi qua trong trại tị nạn, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn dường như mờ dần. "Tôi không có hộ chiếu, không có giấy tờ", anh nói. "Nhưng nếu tôi không thể tiếp tục đến Mỹ, điều gì sẽ xảy ra với tôi? Tôi sẽ phải làm gì với gia đình mình?".