1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngư dân Campuchia khốn khó vì đập thủy điện Trung Quốc trên sông Mekong

(Dân trí) - Các cộng đồng dân cư ở hạ lưu sông Mekong đang phải đối mặt với nguy cơ mất “miếng cơm manh áo” khi Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn, gây ra tình trạng hạn hán, lũ lụt và sự sụt giảm của nguồn thủy hải sản, vốn nuôi sống hàng triệu người.


Ngư dân Campuchia đánh bắt thủy hải sản trên sông Mekong (Ảnh: AFP)

Ngư dân Campuchia đánh bắt thủy hải sản trên sông Mekong (Ảnh: AFP)

Ngư dân người Campuchia Sles Hiet xưa nay sống nhờ sự trù phú của sông Mekong, dòng sông lớn nuôi sống hàng triệu người. Tuy nhiên, một năm trở lại đây cuộc sống của những người như anh Sles đang bị đe dọa nghiêm trọng từ những con đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng.

Sles Hiet, ngư dân 32 tuổi người gốc Hồi giáo Chăm sống lênh đênh năm này qua năm khác trên những con thuyền dọc một con sông thuộc tỉnh Kandal, cho biết sản lượng hải sản anh đánh bắt được ngày càng ít đi.

“Chúng tôi không hiểu ì sao lượng cá ngày càng ít hơn”, anh Sles chia sẻ với hãng tin AFP về lý do chính đẩy gia đình anh ngày càng lâm vào cảnh đói nghèo.

Đó cũng là lo ngại chung của hàng triệu người dân khác sinh sống và hưởng lợi từ con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) chảy qua hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á trước khi đổ ra Biển Đông. Dài 4.800km, Mekong là một trong những con sông lớn nhất thế giới, chỉ xếp thứ 2 sau sông Amazon, Brazil về độ phong phú của hệ sinh thái. Nó nuôi sống 60 triệu người dân sinh sống trên lưu vực sông.

Vào ngày 10/1 tới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đại diện cho Trung Quốc, quốc gia đang kiểm soát thượng nguồn con sông, tham gia hội nghị thượng đỉnh khu vực tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia) và có thể sẽ đưa ra quyết định ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của hàng triệu người dân Đông Nam Á.

Theo tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc được cho là đã xây dựng tổng cộng 6 con đập trên vùng thượng lưu sông Mekong trong tổng số 11 đập thủy điện theo kế hoạch của nước này.

Lợi thế địa chính trị của Trung Quốc

Một ngư dân Campuchia (Ảnh: AFP)
Một ngư dân Campuchia (Ảnh: AFP)

Các tổ chức môi trường đã cảnh báo việc Trung Quốc ngăn dòng chảy sông có thể làm ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài sinh vật, làm gián đoạn quá trình di cư của các loài cá, ngăn phù sa trôi xuống hạ lưu, chưa kể đến hàng ngàn người dân sống trong mối đe dọa bị lũ lụt.

Các cộng đồng sống ở sông Mekong vài năm trở lại đây đã chứng kiến hiện tượng trữ lượng thủy hải sản có nguy cơ cạn kiệt và cho rằng chính những con đập của Trung Quốc là nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Các chuyên gia cho rằng còn khá sớm để kết luận 2 vấn đề này liệu có liên quan mật thiết đến nhau hay không do còn thiếu các dữ liệu cũng như do tính chất phức tạp của hệ sinh thái sông Mekong. Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận rằng lợi thế về địa chính trị của Trung Quốc khiến quốc gia này có thể “làm suy yếu môi trường sống và gây ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân ở hạ nguồn”.

Tại hội nghị thượng đỉnh các nước lưu vực sông Mekong, AFP cho rằng Trung Quốc dường như đang muốn “viết lại” quy tắc ứng xử của các nước cùng hưởng nguồn lợi từ con sông trù phú này. Trung Quốc tuyên bố mục đích của họ khi tổ chức hội nghị nhằm thúc đẩy “thịnh vượng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại tổ chức IR Maureen Harris cho rằng Trung Quốc dường như đang đặt lợi ích của chính họ lên trên việc hợp tác giữa các quốc gia. Các công ty Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào các dự án xây đập nhưng họ đều không thực hiện đầy đủ các đánh giá tác động tới môi trường và xã hội.

Sau cùng, những người chịu tác động mạnh nhất từ những con đập mà Trung Quốc xây dựng lại là những người người dân nghèo như anh Sles.

“Chúng tôi phụ thuộc vào sông Mekong. Cho dù sản lượng cá có ít hơn chúng tôi vẫn phải cố gắng kiếm ăn trên con sông này vì chúng tôi không có nghề nghiệp nào khác và cũng không có đất để canh tác nông nghiệp”, Sles nói.

Đức Hoàng

Theo Straits Times