1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm 5 nước châu Âu giữa lúc căng thẳng với Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần này tới thăm 5 nước châu Âu, ngay sau chuyến thăm tới khu vực của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm 5 nước châu Âu giữa lúc căng thẳng với Mỹ - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm 5 nước châu Âu trong tuần này. (Ảnh: Xinhua)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến thăm 5 nước châu Âu trong tuần này. Ông Vương dự kiến sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao và các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị diễn ra sau khi châu Âu chỉ trích Trung Quốc về cách ứng phó với đại dịch và chính sách cứng rắn của Bắc Kinh với đặc khu hành chính Hong Kong. Ngoài ra, một số nước châu Âu từ chối sử dụng công nghệ 5G của Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, trong mạng lưới viễn thông của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian ngày 24/8 cho biết ông Vương sẽ thăm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức từ ngày 25/8 đến ngày 1/9.

Ông Zhao nói rằng Trung Quốc và châu Âu nên hợp tác cùng nhau để phục hồi nền kinh tế toàn cầu và bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Trung Quốc cũng hy vọng chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ thúc đẩy chương trình hợp tác chính trị và kinh tế của cả hai bên, đồng thời ổn định chuỗi cung ứng sau đại dịch.

Lucrezia Poggetti, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - EU tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nhận định chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị là "cuộc tập dượt kiểm soát thiệt hại".

"Mục đích chính của Bắc Kinh là ngăn chặn sự hình thành mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực 5G", bà Poggetti cho biết.

Không điểm dừng chân nào của Ngoại trưởng Trung Quốc trong chuyến đi lần này trùng với những nơi người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo từng tới trong chuyến công du châu Âu hồi tháng trước. Ông Pompeo tới Áo, Anh, Séc, Đan Mạch, Ba Lan và Slovenia - một phần trong nỗ lực của Washington nhằm thuyết phục châu Âu theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Cả 27 ngoại trưởng EU và người phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đều nhất trí hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ để thảo luận về các mối quan hệ với Trung Quốc, mặc dù nhìn chung họ không đồng tình với chính sách châu Âu của Tổng thống Donald Trump.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - EU đang có xu hướng xích lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với một số lãnh đạo EU và người đứng đầu chính phủ các nước vào giữa tháng 9. Theo giới phân tích, trong chuyến đi lần này, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ tập trung vào sự hợp tác giữa Trung Quốc và EU sau đại dịch.

Mục đích chuyến công du

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm 5 nước châu Âu giữa lúc căng thẳng với Mỹ - 2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Italy Luigi Di Maio sau cuộc gặp tại Rome ngày 25/8. (Ảnh: EPA)

Chặng dừng chân đầu tiên của ông Vương là Italy - thành viên duy nhất của nhóm G7 tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Italy Luigi Di Maio, Ngoại trưởng Trung Quốc gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng: Đừng để bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh Lạnh mới mà Mỹ đang cố gắng thúc đẩy. 

“Chúng tôi tin rằng sẽ không có quốc gia nào tham gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Và chúng tôi cũng tin rằng các nước đều đồng lòng phản đối bất kỳ ai muốn kéo thế giới trở lại luật rừng", ông Vương phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Italy.

Tại cuộc họp báo ở Rome, ông Vương hối thúc Italy hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong các dự án Vành đai và Con đường, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia châu Âu đang tìm cách vực dậy nền kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch. Ông Vương cũng nhắc lại sự giúp đỡ của Trung Quốc với Italy khi dịch lên đến đỉnh điểm tại nước này hồi đầu năm nay.

Ngoại trưởng Trung Quốc và Italy đã trao đổi nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, nông nghiệp, năng lượng và Hong Kong. Tuy nhiên, cả hai đều không đề cập tới 5G cũng như các động thái của Italy liên quan tới Huawei. Italy đang bị mắc kẹt giữa một bên là mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc và một bên là những lo ngại về an ninh, trong đó Mỹ cảnh báo các đồng minh không sử dụng công nghệ của Huawei. Ngoại trưởng Italy cho biết nước này vẫn duy trì lập trường chiến lược trong việc củng cố mối quan hệ với cả Trung Quốc và các đồng minh lâu năm, ngụ ý tới Mỹ.

"Ông Vương Nghị hồi hộp chờ xem liệu Bắc Kinh có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Rome hay không, khi căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang và EU đang theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ông ấy có thể sẽ thất vọng”, chuyên gia Poggetti nhận định.

Sau Italy, Ngoại trưởng Vương Nghị dự kiến cũng sẽ dành sự tập trung tương tự trong vấn đề 5G khi tới thăm Đức - nơi Thủ tướng Angela Merkel đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng về không để Huawei tham gia mạng lưới 5G.

Huawei hiện bị cấm một phần hoặc hoàn toàn ở Mỹ, Anh và Pháp, do vậy Đức là thị trường lớn duy nhất ở phương Tây còn để ngỏ cánh cửa cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Pháp và Đức nhiều lần chỉ trích Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, trong khi EU đã thực thi các biện pháp kiểm soát vũ khí chống lại lực lượng cảnh sát của đặc khu hành chính này. 

"Sự cứng rắn của Bắc Kinh với Hong Kong đã gây ra một cú sốc đối với nhiều nước châu Âu, bao gồm cả Berlin. Bắc Kinh đang trong quá trình đánh mất sự ủng hộ của châu Âu", Noah Barkin, chuyên gia về quan hệ châu Âu - Trung Quốc tại Rhodium Group, cho biết.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Hà Lan diễn ra trong bối cảnh uy tín của Hà Lan bị giảm sút sau khi Thủ tướng Mark Rutte chủ trương thu hẹp quy mô gói hỗ trợ tài chính dành cho các nước thành viên EU bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tại Na Uy, Ngoại trưởng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tái khẳng định cam kết của Trung Quốc về các mối quan hệ "bình thường hóa" với Oslo. Bắc Kinh từng phản đối gay gắt Ủy ban Nobel tại Oslo trao giải Nobel Hòa bình cho một nhân vật đối lập tại Trung Quốc vào năm 2010. Mãi tới năm 2016, Trung Quốc và Na Uy mới hàn gắn quan hệ.