1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Nga, Mỹ lời qua tiếng lại vì Ukraine

(Dân trí) - Làn sóng bạo động ly khai tại các tỉnh miền Đông Ukraine đang châm ngòi cho những lời qua tiếng lại giữa Ngoại trưởng Nga, Mỹ và Tổng thư ký NATO.

Ngoại trưởng Nga, Mỹ lời qua tiếng lại vì Ukraine
Cấp độ khẩu chiến giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Nga tỷ lệ thuận với sức nóng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong tuyên bố đưa ra tối qua ở thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ đã thẳng thừng tố cáo đặc vụ Nga kích động bạo lực ly khai ở miền Đông Ukraine để tạo cớ triển khai hành động can thiệp quân sự như ở Crimea.

“Rõ ràng các lực lượng đặc nhiệm và đặc vụ Nga là chất xúc tác đằng sau tình trạng hỗn loạn trong 24 giờ qua ở miền Đông Ukraine. Điều này có thể là cái cớ để (Nga) can thiệp quân sự, giống như những gì chúng ta đã thấy tại Crimea”, ông Kerry nói trước Quốc hội.

Theo ông, đây là các nỗ lực "trái luật, bất hợp pháp và hoàn toàn không thể chấp nhận được" của Nga.

Cùng lúc, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cảnh báo Nga sẽ phạm phải sai lầm lịch sử nếu can thiệp sâu hơn vào Ukraine.

"Nếu Nga dự định can thiệp sâu hơn vào Ukraine thì đây sẽ là một sai lầm lịch sử. Nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ giữa NATO với Nga và càng khiến Mátxcơva bị cô lập trên trường quốc tế", người đứng đầu liên minh quân sự tuyên bố tại một cuộc hội thảo ở Paris, Pháp.

Ông Rasmussen hối thúc Nga "rút lui" trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và tránh leo thang căng thẳng ở miền Đông, nơi những người biểu tình thân Nga đang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền với tuyên bố thành lập nhà nước ở các thành phố Donetsk và Kharkov.

Từ Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Lavrov lập tức bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và NATO, đồng thời cho rằng tình hình Ukraine chỉ có thể được cải thiện nếu các lợi ích của những người nói tiếng Nga được tính đến.

“Kể từ khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, chính quyền lâm thời ở Kiev chưa có bất kỳ động thái nào đáp ứng nguyện vọng hợp pháp của cộng đồng người nói tiếng Nga ngoài việc loại bỏ tiếng Nga ra khỏi hệ thống ngôn ngữ chính. Mátxcơva yêu cầu Ukraine cải cách hiến pháp để đảm bảo quyền của cộng đồng người nói tiếng Nga này”, ông Lavrov nói trong cuộc họp báo chung với người đồn g cấp Angola đang ở thăm.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định ông sẵn sàng đàm phán với Mỹ và EU về tương lai của Ukraine với điều kiện đại diện của khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine cũng  phải được tham dự.

“Chúng tôi ủng hộ giải pháp để đại diện của miền Đông và miền Nam Ukraine có mặt trong các sự kiện sắp tới”, ông nói.

Ông Lavrov ám chỉ đến đề xuất trước đó của Washington về việc tiến hành hội đàm 4 bên giữa Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) vào tuần tới để tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, hiện chưa biết Mỹ và EU phản ứng thế nào trước đề xuất đưa thêm đại diện của phía Nga.

Trong khi đó, chính quyền lâm thời Kiev tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Nga dưới bất kỳ hình thức và điều kiện nào để nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng.

Vũ Anh
Tổng hợp