1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh: Đương đầu với những cuộc đàm phán “rắn”

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay đã rời đi Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một con đường phía trước trong mối quan hệ nhiều sóng gió giữ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, do những khác biệt về chương trình an ninh mạng và trong căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Các quan chức cấp cao hai bên sẽ gặp nhau ở Bắc Kinh vào thứ tư và thứ năm tới trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ 6, được xem là cuộc gặp hàng năm quan trọng giữa Mỹ-Trung.

Ông Kerry đã rời căn cứ không quân Andrews bên ngoài thủ đô nước Mỹ ngay trước 11h GMT ngày hôm nay, bắt đầu một hành trình dài.

Bất chấp chính sách “xoay trục sang châu Á” nổi tiếng của chính quyền Obama, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ-Trung càng trở nên căng thẳng hơn khi Washington hồi tháng 5 kết tội 5 sỹ quan quân đội Trung Quốc đã “hack” các doanh nghiệp Mỹ.

Mặc dù giới phân tích xem động thái mang tính biểu tượng, chủ yếu là nhằm cảnh báo Bắc Kinh do những người bị buộc tội chắc chắn không xuất hiện trước tòa án Mỹ, nhưng Trung Quốc đã vô cùng tức tối, hủy bỏ các cuộc đàm phán về an ninh mạng quan trọng với Mỹ dự kiến diễn ra vào tuần này.

Hồi chuông cảnh báo ở Washington cũng được gióng lên trước những động thái ngày một hiếu chiến của Bắc Kinh nhằm khẳng định cho các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của mình ở Biển Đông và Hoa Đông, nơi có các đồng minh then chốt của Mỹ.

Mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng đã cáo buộc Bắc Kinh có hành động gây bất ổn. Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc đảm bạo tự do hàng hải ở những tuyến đường biển quan trọng trên thế giới này.

Nhà ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á của Mỹ Daniel Russel đã thừa nhận chỉ trích giữa hai bên “gia tăng”. Ông cho rằng cần phải giải quyết rạn nứt “theo hướng hiệu quả và xây dựng”.

Trung Quốc, vốn đang trên đường “chiếm” ngôi vị là nền kinh tế hàng đầu thế giới từ Mỹ trong tương lai gần, cáo buộc Mỹ đang tìm cách kìm tỏa đà phát triển của họ.

Ông Kerry và Bộ trưởng Ngân khố Jacob Lew sẽ dẫn đầu phái đoàn lớn của Mỹ có cuộc gặp với Ủy viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương, người dẫn đầu phái đoàn của Bắc Kinh.

Giữa những cáo buộc các doanh nghiệp Mỹ đang là mục tiêu tấn công mạng của Trung Quốc, Washington sẽ tìm cách nối lại hoạt động của nhóm làm việc về an ninh mạng, nhằm đưa ra quy định chung cho việc sử dụng và bảo vệ internet.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự tham gia trực tiếp của chính phủ Trung Quốc” trong các vụ tấn công mạng, ông Russel cho hay. “Rõ ràng là chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng ngăn chặn điều đó”, ông nói thêm.

“Sân chơi” công bằng

Đồng Nhân dân Tệ của Trung Quốc cũng sẽ là một chủ đề thảo luận giữa hai bên. Mỹ cho rằng đồng Tệ của Trung Quốc vẫn bị đánh giá thấp, mặc dù đã tăng 14% kể từ năm 2010, khi Bắc Kinh bắt đầu có những bước đi cho phép thả nổi hơn đồng tiền của mình. Ông Lew tuần trước đã tái nhắc mong muốn của Mỹ, rằng cần phải để tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ được định theo thị trường và cho rằng việc quy định tỉ giá của Trung Quốc hiện nay là “không công bằng”.

Biến đổi khí hậu và những vấn đề về môi trường dự kiến cũng sẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ trong chuyến công du của ông Kerry hồi tháng 2, nước thải nhiều khí nhà kính lớn thứ hai thế giới đã đồng ý gia nhập các lực lượng nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Mặc dù Mỹ-Trung từ lâu đã tìm kiếm trên bàn đàm phán một hiệp ước đầu tư song phương, nhưng trong cuộc đàm phán năm nay, gần như chắc chắn không có một thỏa thuận nào như vậy được ký kết. Mục đích của cuộc đàm phán lần này cũng nhằm dọn đường cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tới ở Bắc Kinh, nơi hơn 20 nước và nền kinh tế dự kiến sẽ tham dự.

Trung Anh
Theo AFP