Nghiên cứu: Virus corona vẫn sống sót ở nhiệt độ 60°C
(Dân trí) - Virus corona chủng mới (Sars-Cov-2) gây viêm phổi cấp Covid-19 có thể sống sót khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao trong, một nhóm nhà khoa học của Pháp cho biết.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Giáo sư Remi Charrel và các đồng nghiệp tại Đại học Aix-Marseille (miền nam nước Pháp) đã thử nghiệm đốt nóng Sars-Cov-2 ở nhiệt độ 60°C trong một giờ đồng hồ và nhận thấy một số chủng của chúng vẫn có thể sao chép. Nhiệt độ cao nhất trên Trái Đất được ghi nhận là 56,7°C tại Thung lũng chết ở California vào tháng 7/1913. Các nhà khoa học đã phải đưa nhiệt độ đến gần nhiệt độ sôi mới tiêu diệt được hoàn toàn virus này.
Nhóm nhà khoa học Pháp đã thử nghiệm virus này với tế bào khỉ thận xanh, một vật chủ tiêu chuẩn cho các xét nghiệm virus, với một chủng được phân lập từ một bệnh nhân ở Berlin, Đức. Các tế bào này được đưa vào hai ống khác nhau, một loại “sạch” và một loại “bẩn” có protein động vận để mô phỏng ngăn chặn sinh học trong các mẫu thực tế.
Sau khi đốt nóng, các chủng virus trong ống sạch bị vô hiệu hóa hoàn toàn, trong khi một số chủng trong các mẫu “bẩn” vẫn sống sót, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp chỉ ra.
Phương pháp xét nghiệm trong điều kiện 60°C và kéo dài 1 giờ đã được áp dụng tại nhiều phòng thí nghiệm để tìm ra cách thức vô hiệu hóa nhiều loại virus chết người, trong đó có Ebola. Với Sars-Cov-2, nhiệt độ này có thể phù hợp với các mẫu hàm lượng virus thấp bởi vì nó có thể tiêu diệt một lượng lớn chủng virus. Tuy nhiên, nó có thể nguy hiểm với các nhà khoa học thí nghiệm khi tiến hành với các mẫu hàm lượng virus cao.
Nhóm nhà khoa học Pháp nhận thấy, nhiệt độ gần điểm sôi có thể tiêu diệt Sars-Cov-2. Ví dụ, khi đốt nóng các mẫu virus này ở nhiệt độ tới 92°C trong vòng 15 phút có thể vô hiệu hóa chúng hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhiệt độ cao như vậy có thể làm phân tích nghiêm trọng RNA của virus và làm giảm độ nhạy của xét nghiệm. Do đó, các nhà khoa học đề nghị sử dụng hóa chất thay vì nhiệt độ để tiêu diệt virus và phải cân đối giữa sự an toàn của nhân viên xét nghiệm và hiệu quả xét nghiệm. Một chuyên gia sinh học nghiên cứu về virus tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, nhận thức được mức độ rủi ro với các nhân viên phóng thí nghiệm, nên các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc yêu cầu nhân viên phải mặc quần áo bảo hộ trùm kín người trong quá trình thí nghiệm, thậm chí cả sau khi đã vô hiệu hóa virus.
Thí nghiệm của các nhà khoa học Pháp đã cung cấp những thông tin quý giá, song thực tế dịch Covid-19 có thể phức tạp hơn nhiều so với các mô phỏng trong phòng thí nghiệm. “Virus này hoạt động rất khác với sự thay đổi trong môi trường. Nhiều công trình nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để giải đáp những câu hỏi đó”, chuyên gia trên cho biết.
Trước đó, có nhiều hy vọng rằng dịch bệnh ở bán cầu bắc sẽ giảm dần khi nhiệt độ tăng theo mùa. Một số nghiên cứu cho thấy các nước nhiệt đới dường như ghi nhận ít ca mắc Covid-19 hơn. Tuy nhiên, yếu tố này có thể bị cản trở bởi các yếu tố khác như nỗ lực kiểm soát dịch của chính phủ, năng lực xét nghiệm. Thậm chí một số nghiên cứu gần đây chỉ ra, Covid-19 có thể tiếp tục lây lan suốt mùa hè.
Minh Phương
Theo SCMP