1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ duy trì cảnh giác khi Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông

Phi hành đoàn trên chiếc máy bay tuần tra Pelican One của Hải quân Mỹ cảnh giác theo dõi, xác định một con tàu đang hoạt động gần vùng biển ngoài khơi tây nam Nhật Bản nơi Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền...

Mỹ duy trì cảnh giác khi Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông
Đại úy Mike Parker - chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ tiếp Phó Đô đốc Nhật Bản Makoto Sato trên máy bay tuần tra Poseidon 8
 
... Sau khi khẳng định đó là một tàu thương mại bình thường, chiếc Pelican One tăng độ cao và tiếp tục chuyến tuần tra...

Tuần tra tầm xa

Theo USA Today, chuyến bay tuần tra của máy bay Pelican One có thể kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ và bay hàng nghìn dặm từ căn cứ ở Okinawa (Nhật Bản). Những chuyến tuần tra này mang sắc thái khẩn cấp chưa từng thấy trước đây, khi quân đội Mỹ theo dõi sát sao hơn việc Trung Quốc tăng cường các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, trong đó có việc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo trên Biển Đông.
 
Vào các ngày tuần tra, máy bay Mỹ trang bị camera, các thiết bị điện tử tiên tiến để theo dõi khu vực, săn đuổi tàu ngầm, tàu nổi và máy bay khác, đồng thời theo dõi tiến triển của việc xây dựng ồ ạt đang diễn ra trên các đảo nhân tạo vốn là các rạn san hô và bãi đá.
 
Số máy bay tuần tra của Hải quân Mỹ đã tăng từ 12 lên 16 chiếc trong 3 năm qua, bao gồm cả một số máy bay rất hiện đại như P-8 Poisedon được triển khai lần đầu tiên trên Thái Bình Dương. Đại úy Hải quân Mike Parker - người chỉ huy phi đội tuần tra - cho biết, máy bay Mỹ vẫn ở trên không phận quốc tế trong những chuyến tuần tra đó.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, một số đảo sau tôn tạo có cả đường băng cho máy bay quân sự lớn nhất của Trung Quốc, cùng với các cảng biển và hàng chục tòa nhà cao tầng trên đó. Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, từng cảnh báo, Trung Quốc đang tạo ra một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" trên Biển Đông khiến Mỹ lo ngại về ý định thật sự của quốc gia này.

“Hòa bình xám”

Các quan chức Trung Quốc đã thừa nhận rằng một số thiết bị quân sự sẽ được đưa ra các đảo mới nhưng vẫn cố nói biện bạch về mục đích của họ. Mới đây nhất, cuối tuần qua, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đưa ra lời mời trong cuộc điện đàm với Đô đốc Hải quân Mỹ Jonathan Greenert: "Chúng tôi mời các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước có liên quan trong tương lai sử dụng các cơ sở hạ tầng, khi điều kiện cho phép, cho hoạt động hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp thảm họa".

Tuy nhiên, lời mời này của Trung Quốc đã bị Mỹ từ chối. Đô đốc Greenert yêu cầu Trung Quốc làm rõ mục đích thực sự của việc bồi đắp đảo. Tiếp theo, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke khẳng định, việc xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông không đóng góp gì cho hòa bình khu vực, dù các cơ sở trên đảo được sử dụng với mục đích nào đi nữa. Ông Rathke cho rằng, nếu muốn giảm căng thẳng, "Trung Quốc có thể chủ động bằng cách có những bước đi cụ thể nhằm dừng cải tạo đất đai", "hợp tác với các cơ chế đa phương hiện có" về cứu trợ thảm hoạ và nhân đạo như cơ chế của ASEAN.

Ngoài ra, tờ USA Today dẫn lời Ben Schreer, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Viện Chính sách chiến lược Australia nói rằng, một khi máy bay Trung Quốc bắt đầu hoạt động trên các đảo được bồi đắp trái phép nói trên, thì càng có nguy cơ xảy ra đụng đầu giữa máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc như vụ việc xảy ra trên không phận quốc tế ở Biển Đông năm ngoái. "Việc này sẽ khiến khu vực có nguy cơ mong manh hơn" - ông Schreer nói. "Điều sẽ nổi lên là một tình trạng “hòa bình xám” thường xuyên. Không phải chiến tranh, không phải hòa bình, nhưng là một sự căng thẳng thường xuyên mà ta phải quản lý và nguy cơ từ bất kỳ một tính toán sai lầm nào cũng rất đáng kể".

Đề xuất tuần tra chung

Để kiểm soát tình hình, Mỹ đang tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn của các đồng minh trong khu vực. Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản, mong muốn thấy các hoạt động tuần tra hàng hải và hàng không chung giữa Mỹ và Nhật Bản trên Biển Đông.
 
Cho tới giờ, Nhật không tuần tra thường xuyên ở khoảng cách xa tính từ các đảo của họ, và chưa chính thức đáp lại các gợi ý của Mỹ về tuần tra chung. Hôm 2.5 vừa qua, ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết thúc chuyến thăm Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain đã bày tỏ hy vọng rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ hoạt động ở Trung Đông cũng như Biển Đông trong chính sách an ninh mới của Nhật. Ngoài ra, chuyến thăm của ông Abe cũng nhấn mạnh việc làm sâu sắc quan hệ với Mỹ.
 
Các nước càng thêm lo ngại khi mà tuần trước Tân Hoa xã đưa tin, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNOOC đã đưa giàn khoan mới mang tên Hưng Vượng vào Biển Đông. Đây là giàn khoan bán ngầm nước sâu thứ hai Trung Quốc đưa vào Biển Đông bất chấp luật lệ quốc tế. Năm ngoái, giàn khoan Hải Dương 981 đã gây bão dư luận quốc tế vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh hàng hải hàng không cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
 
Theo Vĩnh Nguyên