1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghị sỹ Hồng Kông bác dự thảo cải cách bầu cử

(Dân trí) - Các nghị sỹ tại Hồng Kông ngày 18/6 đã bỏ phiếu bác bỏ bản dự thảo cải cách bầu cử được Bắc Kinh hậu thuẫn, vốn bị các nhà hoạt động dân chủ cho là chỉ đem lại sự “dân chủ giả tạo”.

Bản dự thảo nếu được thông qua sẽ cho phép người dân Hồng Kông lần đầu tiên có quyền bỏ phiếu trực tiếp bầu nhà lãnh đạo đặc khu hành chính này trong kỳ bầu cử năm 2017.

Nghị sỹ Hồng Kông bác dự thảo cải cách bầu cử

Các nghị sỹ ủng hộ dân chủ kêu gọi cầu cử phổ thông "thực sự" sau khi bỏ phiếu bác dự thảo cải cách (Ảnh: SCMP)

Tuy vậy, các ứng viên trước đó sẽ phải được chọn lựa bởi một ủy ban được cho là trung thành với Bắc Kinh, mà các nhà hoạt động dân chủ cho là chỉ đem đến sự “dân chủ giả tạo”.

Trung Quốc khẳng định những cải cách vẫn sẽ được thực thi và hợp pháp bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu. Một số người tại Hồng Kông từng hy vọng nếu dự thảo bị bác bỏ, Trung Quốc sẽ buộc phải đưa ra những cải cách sâu rộng hơn.

“Hiệu lực pháp lý không thể nghi ngờ”

Ngày 31/8 năm ngoái, Bắc Kinh đã quyết định sẽ kiểm soát việc chọn các ứng viên cho cuộc bầu cử người đứng đầu đặc khu hành chính Hồng Kông năm 2017. Và quyết định này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình thu hút hơn 100.000 người xuống đường.

Kết quả cuộc bầu cử ngày thứ Năm có nghĩa là nhà lãnh đạo tiếp theo của Hồng Kông có thể được lựa chọn như trước đây, bởi một ủy ban gồm 1.200 người mà hiện đa số được cho là "thân Bắc Kinh".

Nhiều nghị sỹ thân Bắc Kinh bỏ về trước khi bỏ phiếu (Ảnh:

Nhiều nghị sỹ "thân Bắc Kinh" bỏ về trước khi bỏ phiếu (Ảnh: SCMP)

Ngay trước cuộc bỏ phiếu chiều 18/6, nhiều nghị sỹ thân Bắc Kinh đã rời khỏi hội trường. Trong số 37 nghị sỹ còn lại, 28 người bỏ phiếu chống trong khi chỉ 8 người bỏ phiếu thuận. Để được thông qua, dự thảo cần ít nhất 47 phiếu thuận.

Thông báo của cơ quan lập pháp Trung Quốc được Tân Hoa Xã đăng tải khẳng định: “Mặc dù cuộc vận động bầu cử phổ thông không được thông qua, định hướng tới bầu cử phổ thông và các nguyên tắc pháp lý được đưa ra phải tiếp tục được duy trì trong tương lai”.

Thông báo cũng nhấn mạnh quyết định ngày 31/8 năm ngoái “sẽ tiếp tục giữ vai trò như nền tảng hiến pháp cho Hồng Kông trong tương lai” và “hiệu lực pháp lý của nó là không thể nghi ngờ”.

Thanh Tùng
Theo BBC