1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nghị sĩ Nga đề xuất cấm công dân trong độ tuổi nhập ngũ ra nước ngoài

Thành Đạt

(Dân trí) - Một nghị sĩ Nga đề xuất quy định cấm nam giới trong độ tuổi nhập ngũ ra nước ngoài, sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký lệnh động viên một phần.

Nghị sĩ Nga đề xuất cấm công dân trong độ tuổi nhập ngũ ra nước ngoài - 1

Quân đội Nga duyệt binh năm 2020 (Ảnh: AFP).

"Tất cả những người trong độ tuổi nhập ngũ nên bị cấm ra nước ngoài trong tình hình hiện nay", Sergei Tsekov, một thành viên của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), nói với hãng tin RIA hôm nay 26/9.

Hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, với sắc lệnh này, Nga có thể huy động khoảng 300.000 lính dự bị, nghĩa là chỉ hơn 1% nguồn lực dự bị hiện có. Ông Shoigu nhấn mạnh, việc huy động là cần thiết để tăng cường cho chiến tuyến kéo dài hơn 1.000km ở Ukraine.

Theo truyền thông phương Tây, sau khi Tổng thống Putin công bố lệnh động viên, các chuyến bay rời khỏi Nga đã "cháy vé" do nhiều người lo ngại việc bị triệu tập và nhiều người Nga đã tìm cách rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin này.

Một nghị sĩ khác đã bác bỏ ý tưởng đóng cửa biên giới và cho biết chính phủ Nga đang cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho những người được gọi nhập ngũ.

"Tôi muốn tất cả đồng nghiệp (thay vì thổi phồng sự việc) hãy quan tâm đến vấn đề hỗ trợ xã hội cho những công dân thuộc diện nhập ngũ", Andrei Klishas, một thành viên khác của Hội đồng Liên bang, đã phản hồi đề xuất của nghị sĩ Tsekov.

Tổng thống Putin ngày 24/9 đã ký luật sửa đổi Bộ luật Hình sự của Nga. Theo luật mới, các quân nhân Nga "tự nguyện đầu hàng" trước lực lượng đối phương trong một cuộc xung đột vũ trang sẽ phải đối mặt với 10 năm tù sau khi trở về nhà. Tuy nhiên, những người phạm tội lần đầu có thể tránh án tù nếu họ trốn khỏi nơi giam giữ của đối phương và trở về đơn vị của mình.

Các điều khoản khác của bộ luật sửa đổi mới bao gồm phạt tù tối đa 10 năm đối với các quân nhân từ chối tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang, cũng như đối với những người đào ngũ hoặc trốn nhập ngũ. Hành vi cướp bóc trong thời chiến hoặc trong chiến dịch quân sự có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lệnh động viên sẽ ưu tiên lính dự bị đã qua đào tạo như người lái xe tăng, các thành viên pháo binh, lái xe, bộ binh cơ giới. Ngoài ra, kinh nghiệm chiến đấu cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tuyển quân.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội nước này có kế hoạch huy động cả quân nhân và sĩ quan cấp cao. Lính dự bị trong độ tuổi từ 35 trở xuống có thể được gọi nhập ngũ, trong khi ngưỡng tuổi đối với sĩ quan là từ 50-55, tùy cấp bậc. Những người làm việc trong ngành quốc phòng, người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, người có ít nhất 4 con hoặc đang phải chăm sóc thân nhân tàn tật được miễn trừ nhập ngũ.

Việc hoãn nhập ngũ được áp dụng đối với những sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học hoặc dạy nghề được nhà nước công nhận. Ngoại lệ này chỉ dành cho các sinh viên theo học lần đầu tại các cơ sở giáo dục và tổ chức nghiên cứu của nhà nước Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo một số nhân viên làm việc trong các ngành công nghiệp cực kỳ quan trọng sẽ được miễn trừ khỏi lệnh động viên nhằm "đảm bảo hoạt động của các ngành công nghệ cao, cũng như hệ thống tài chính của Nga". Các ngoại lệ cũng áp dụng cho một số nhân viên công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, cũng như một số nhân viên tại các cơ sở truyền thông đại chúng đóng "vai trò quan trọng về mặt hệ thống".

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm