1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nghị định thư Kyoto chính thức có hiệu lực đầy đủ

Ngày 30/11, tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu ở Montreal (Canada), đại diện 34 nước ký Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã thông qua lần cuối cùng bản điều lệ của Nghị định thư Kyoto, cụ thể hóa công cụ pháp lý này nhằm thúc đẩy nỗ lực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với tình trạng trái đất ấm dần lên.

Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu thời điểm Nghị định thư Kyoto đi vào hoạt động một cách đầy đủ và toàn diện.

 

Trong khuôn khổ điều lệ mới được thông qua, các nước thành viên đã thành lập Hội đồng giám sát hỗn hợp có nhiệm vụ theo dõi quá trình triển khai cơ chế Kyoto, cho phép các nước phát triển đầu tư vào những nền kinh tế chuyển đổi ở Trung - Đông Âu và nhiều khu vực khác nhằm giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như cam kết.

 

Các nước thành viên cũng đã thiết lập cơ chế "phát triển sạch" nhằm khuyến khích những nước công nghiệp tăng cường đầu tư vào các nước đang phát triển với nhiều dự án bền vững, hướng tới mục tiêu giảm bớt lượng khí thải.

 

Bản điều lệ cũng đề cập tới hàng loạt những vấn đề khác nhằm vận hành và giám sát việc triển khai Nghị định thư Kyoto, như cách tính lượng khí thải, hướng dẫn thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, hay những biện pháp sử dụng đất nông nghiệp để hấp thụ khí CO2.

 

Trong điều lệ, các bên cam kết hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2012, đề ra một cơ chế về quyền mua bán lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo quy định... Trong thời gian họp (dự kiến kết thúc ngày 9/12 tới), các nước sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với những nước vi phạm Nghị định thư.

 

Tại hội nghị, Trung Quốc cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và kêu gọi Washington tham gia vào tiến trình này. Tuy nhiên, Mỹ, nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới (khoảng 40%), vẫn từ chối thông qua Nghị định thư Kyoto.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học thế giới đã cảnh báo không còn nhiều thời gian để hành động ngăn chặn hiểm họa biến đổi khí hậu trên trái đất. Các nhà khoa học thừa nhận những bằng chứng về tác hại của biến đổi khí hậu đối với con người và nhấn mạnh tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay nhanh hơn tốc độ kiềm chế nó mà con người đang nỗ lực thực hiện. Nhiều khu vực ở châu Á và Nam Mỹ đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nước vì các vùng băng hà đang bị tan chảy nhanh, trong khi số dân các thành phố và làng mạc có nguy cơ bị nước biển tràn ngập dự kiến sẽ tăng từ 75 triệu người hiện nay lên 200 triệu người vào năm 2080.

 

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến đổi khí hậu đã gây thêm ít nhất 5 triệu ca bệnh nghiêm trọng và thêm hơn 150 nghìn người chết mỗi năm. Dự kiến tới năm 2030, các con số này sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt nhiều người bị chết do các bệnh liên quan đến thời tiết.

 

 

Theo TTXVN, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm