DMagazine

Nghẹt thở cảnh sống trong những căn hộ "quan tài" giữa phố thị Hong Kong

(Dân trí) - Giữa trung tâm tài chính châu Á, Hong Kong, hàng trăm nghìn người vẫn sống trong những căn hộ chật hẹp, thậm chí nhỏ hơn chỗ đậu ô tô, chỉ đủ kê một chiếc giường hoặc khu bếp và khu vệ sinh là một.

NGHẸT THỞ CẢNH SỐNG TRONG NHỮNG CĂN HỘ "QUAN TÀI" GIỮA PHỐ THỊ HONG KONG

Giữa trung tâm tài chính châu Á, Hong Kong, hàng trăm nghìn người vẫn sống trong những căn hộ chật hẹp, thậm chí nhỏ hơn chỗ đậu ô tô, chỉ đủ kê một chiếc giường hoặc khu bếp và khu vệ sinh là một.

Với Max Lee, một bác sĩ 26 tuổi ở Hong Kong, mọi sinh hoạt hàng ngày diễn ra vỏn vẹn trong "căn hộ quan tài" với diện tích chỉ tương đương một chỗ đậu ô tô.

Đó là phòng ngủ, phòng khách và "kiêm" luôn phòng làm việc của anh ngoài giờ làm việc ở bệnh viện. Lee sống trong căn hộ chỉ khoảng 20m2 thuộc tòa nhà cao tầng nằm ở trung tâm Kowloon để tiện cho việc đi lại nhưng vẫn có thể trang trải chi phí đắt đỏ. Lee chia sẻ: "Sống một mình ở đây không vấn đề gì, chỉ khi có khách thì hơi chật hẹp".

Những căn hộ mini như của Lee không phải hiếm ở Hong Kong. Bloomberg dẫn số liệu thống kê cho biết, hiện có khoảng 8.500 căn hộ siêu nhỏ ở Hong Kong. Hầu như tòa nhà cao tầng nào ở Hong Kong hiện nay cũng có những căn hộ mini chỉ đủ kê một chiếc giường, phòng tắm và không gian bếp nhỏ mà người ta gọi là căn hộ "vừa tiền".

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN ĐẮT ĐỎ NHẤT THẾ GIỚI

Nghẹt thở cảnh sống trong những căn hộ quan tài giữa phố thị Hong Kong - 1

Hong Kong là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới (Ảnh: CNBC).

"Cơn sốt" bất động sản ở Hong Kong vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều năm, khiến đặc khu này trở thành một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Tình trạng cung nhà ở không đủ đáp ứng cầu khiến giá nhà ở Hong Kong tăng gần 200% kể từ năm 2010 đến năm 2019. Hiện nay, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, giá nhà đất ở Hong Kong vẫn cao kỷ lục.

Giá nhà ở trung bình tại một trong những trung tâm tài chính châu Á này đã vượt 1,3 triệu USD trong khi thu nhập tối thiểu ở của người lao động ở đây chưa đầy 5 USD/giờ. Theo một báo cáo năm 2019 của ngân hàng UBS, một lao động có trình độ cũng phải làm lụng 21 năm mới đủ tài chính để mua một căn hộ trung bình khoảng 60m2 gần trung tâm thành phố. Đây là khoảng thời gian tiết kiệm mua nhà trung bình dài nhất trên thế giới.

Những căn hộ mini có giá khoảng một nửa giá căn hộ thông thường, giúp những người thu nhập thấp có thêm cơ hội sở hữu hoặc thuê nhà. Nhắm đến phân khúc thị trường nhà ở cho tầng lớp thu nhập thấp và trung bình, các công ty địa ốc ở Hong Kong có xu hướng xây dựng các căn hộ mini, đặc biệt sau khi chính quyền nới lỏng các quy định liên quan đến yếu tố ánh sáng tự nhiên và thông gió của căn hộ. Có căn hộ chỉ rộng 10m2, hoặc thậm chí nhỏ hơn chỗ đậu ô tô. Trước kia, các quy định về phòng cháy chữa cháy yêu cầu, một căn hộ cơ bản phải có thiết kế ngăn khu vực bếp với không gian sinh sống bằng một bức tường và có cửa sổ riêng.

Trào lưu này được tạo ra bởi chính sách ưu đãi của chính quyền dành cho các doanh nghiệp bất động sản và cũng được người tiêu dùng đón nhận với lý do "vẫn còn hơn" sống trong các căn hộ "nhà lồng" hay "quan tài" chỉ vài mét vuông.

Trong hồ sơ gửi cho cơ quan xây dựng trong năm nay, tập đoàn bất động sản lớn nhất Hong Kong Sun Hung Kai Properties có kế hoạch xây dựng 5.400 căn hộ ở quận Sai Kung, trong đó có hai căn có diện tích nhỏ nhất là 8,2m2 và hơn 200 căn hộ có không gian chỉ bằng kích thước đỗ ô tô hơn 10m2. Phần lớn các căn hộ trong dự án rộng khoảng 26m2. Tại khu Kowloon, các tập đoàn bất động sản cũng có kế hoạch xây dựng khu dân cư hơn 1.500 căn hộ với diện tích chỉ từ 11 m2.

CẢNH SỐNG TRONG CĂN HỘ QUAN TÀI

Nghẹt thở cảnh sống trong những căn hộ quan tài giữa phố thị Hong Kong - 2

Bên trong một "căn hộ quan tài" ở Hong Kong (Ảnh: Getty).

Để tạm thoát ra ngoài không gian chật hẹp của "căn hộ quan tài" chỉ vỏn vẹn 2m2, những khi rảnh rỗi, ông Simon Wong, 64 tuổi, thường dành thời gian ở công viên gần nhà, chơi cờ với bạn bè và chỉ trở về nhà để ngủ.

Tuy nhiên, kể từ khi Hong Kong phát hiện ca Covid-19 đầu tiên hồi đầu năm ngoái, ông phải giam mình trong căn hộ rộng chỉ đủ trải một chiếc chiếu. "Tôi không còn đi đâu được nữa. Không còn nơi nào để tụ tập. Đi chợ xong tôi trở về luôn, giam mình trong phòng và chỉ biết xem tivi, không thể làm được gì khác", người đàn ông thất nghiệp cho biết.

Ông Wong, người làm nghề tự do khi là bảo vệ, lúc làm nhân viên bồi bàn, đã sống trong những căn nhà kiểu này suốt 20 năm qua. Căn hộ chỉ đủ chỗ nằm, kê một chiếc kệ nhỏ kê tivi và đựng đồ, trong khi quần áo và một số đồ dùng khác phải treo. Mặc dù vậy, tiền thuê nhà đã ngốn tới 2/3 khoản trợ cấp xã hội gần 400 USD mà ông nhận được.

Leung Hon-Kee, một lao công ở khách sạn, cũng phải sống trong căn hộ quan tài ngót 10 năm. Khi ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, anh cũng ít có việc làm hơn, do vậy, anh thường phải nhốt mình trong không gian chật hẹp chỉ khoảng 3m2 để lướt điện thoại. "Không dễ chịu chút nào, nhưng biết làm gì bây giờ", Leung nói.

Nghẹt thở cảnh sống trong những căn hộ quan tài giữa phố thị Hong Kong - 3

Một gia đình sống trong căn hộ mini ở Hong Kong (Ảnh: Sky News).

Wong Ng, 39 tuổi, một nhân viên sân bay, đang sống cùng với vợ và hai con trong căn hộ thuê chỉ rộng 11m2 ở khu Tai Wo Hau. Quê gốc của Wong là tỉnh Giang Tây, nhưng anh lựa chọn ở lại Hong Kong, sống trong ngôi nhà chật hẹp vì ở đó có hệ thống giáo dục tốt cho con cái.

Wong Ng ngủ trên chiếc giường đơn trong khi vợ và hai con ngủ trên chiếc giường tầng. Vì chiếc bàn ăn quá nhỏ mà họ phải chia thời gian dùng bữa, trong khi con trai làm bài tập trên chính chiếc giường của anh.

Vợ chồng anh phải chi tới 870 USD tiền thuê nhà mỗi tháng, chưa kể tiền điện, nước. Họ sẽ vẫn phải chi những khoản tiền không hề nhỏ so với thu nhập của mình giống như hàng trăm nghìn người khác cũng đang chờ tới lượt được thuê nhà chính sách giá rẻ. Đến cuối tháng 3 năm nay, vẫn còn hơn 150.000 người nộp đơn xin thuê nhà ở công giống như Wong với thời gian chờ trung bình là 5,8 năm.

Hong Kong là một trong những nơi có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới, với hơn một triệu trong số hơn 7,4 triệu dân sống dưới mức nghèo. Sự chênh lệch giàu nghèo càng lộ rõ hơn khi dịch Covid-19 bùng phát. Hơn 200.000 người được cho là đang sống trong các căn hộ chia nhỏ hay còn gọi là căn hộ quan tài này.

Đất chật, người đông từ lâu đã trở thành "đặc sản" của Hong Kong bởi chỉ khoảng 7% diện tích đất ở Hong Kong được quy hoạch để làm nhà ở và phần lớn dành cho các gia đình giàu có. Điều này dẫn đến việc những người trẻ tuổi, người già hoặc các gia đình thuộc tầng lớp thu nhập thấp phải sống trong các điều kiện tồi tệ. Họ có thể phải trả hàng trăm USD mỗi tháng cho một căn hộ chưa đến 10m2 ít nhất cho đến khi họ có được thu nhập tốt hơn.