Vấn đề pháp lý từ vụ ô tô doanh nhân chặn ngang quốc lộ để mở đường

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, vấn đề quan trọng là hậu quả sự việc ra sao, đã thuộc mức "gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "gây cản trở giao thông nghiêm trọng" chưa. Đây sẽ là cơ sở để xem xét trách nhiệm tài xế.

Như Dân trí thông tin, sáng 2/5, đoàn doanh nhân thuộc CLB Doanh nhân Hai Mươi Ba Mươi ở TPHCM thăm địa điểm du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Chiều cùng ngày, khi di chuyển về TP Đà Lạt (Lâm Đồng), thành viên trong đoàn là ông N. (43 tuổi) và ông D. (44 tuổi, cùng ở TPHCM) điều khiển 2 ô tô chặn các xe lưu thông trên Quốc lộ 20 để đoàn xe đi ra từ khu du lịch. 

Theo công an, vụ việc gây ách tắc giao thông trong khoảng 3 phút, hành vi của các cá nhân nêu trên là bột phát, không nhận được thông báo từ ai. Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đã tạm giữ các phương tiện, giấy phép lái xe của người liên quan để phục vụ công tác xác minh, xử lý vi phạm. 

Sự việc khiến nhiều người liên tưởng tới vụ việc nhóm vệ sĩ chặn đường, phân luồng cho đoàn xe đi đám cưới xảy ra tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hồi tháng 12/2024 và bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng. Vậy với sự việc lần này, những người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm ra sao? 

Vấn đề pháp lý từ vụ ô tô doanh nhân chặn ngang quốc lộ để mở đường - 1

Khoảnh khắc 2 ô tô chặn Quốc lộ 20 để đoàn xe của nhóm doanh nhân đi qua (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận theo dữ liệu từ clip, có thể thấy 2 ô tô đã chặn hai chiều phần đường xe chạy để các phương tiện của nhóm doanh nhân đi qua. Căn cứ khoản 21, Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, đây là hành vi cản trở người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ và thuộc nhóm hành vi bị nghiêm cấm. 

Tuy nhiên, để đánh giá đây là lỗi vi phạm hành chính hay có yếu tố hình sự, cần tiếp tục củng cố hồ sơ, trong đó tập trung làm rõ động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi của những người này cũng như hậu quả xảy ra với an ninh trật tự xã hội. 

"Nhìn nhận một cách khách quan, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, cần xuất thiện yếu tố ảnh hưởng xấu và nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội. Tuy nhiên, theo thông tin hiện có, việc chặn đường như trên chỉ xảy ra trong khoảng 3 phút và mức độ thiệt hại hiện hầu như chưa đáng kể. 

Bởi vậy, hiện chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, do đây là lỗi vi phạm quy định về giao thông đường bộ, gây ảnh hưởng tới trật tự công cộng nên có thể xem xét xử phạt những người vi phạm về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Mức phạt có thể áp dụng là phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng", luật sư Tuấn phân tích. 

Ngoài ra, với hành vi dừng, đỗ xe sai quy định, căn cứ Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, các tài xế có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng và trừ 2 điểm giấy phép lái xe. 

Cũng theo dõi sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, người nào gây rối trật tự công cộng mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. 

Đối với tình tiết "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" tại Bộ luật Hình sự 2015, pháp luật hiện hành chưa có văn bản mới nhằm hướng dẫn cụ thể để áp dụng giải quyết. Tuy nhiên, trên cơ sở tham chiếu hướng dẫn về tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999, có thể hiểu hành vi thuộc nhóm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bao gồm các trường hợp như Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Làm chết người hay Gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác ở một mức nhất định. 

Ngoài ra, cũng theo Nghị quyết này, tình tiết "Gây cản trở giao thông nghiêm trọng" được giải thích là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu).

Như vậy, đối với trường hợp này, vấn đề mấu chốt là hậu quả xảy ra từ hành vi trên là như thế nào, việc ách tắc diễn ra bao lâu và đã thuộc trường hợp "gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "gây cản trở giao thông nghiêm trọng" hay chưa. Đây sẽ là cơ sở để xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không.