1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Nghệ sĩ” Rice

Đêm thứ bảy vừa qua, bà Ngoại trưởng Rice đã làm khán giả dự đêm hòa nhạc cổ điển ở Trung tâm Kennedy trố mắt. Nhà ngoại giao số 1 của nước Mỹ ngồi chơi dương cầm một hơi 6-7 bài của Verdi, Mozart và Jerome Kern điêu luyện không kém một nhạc công chuyên nghiệp.

Họ ngạc nhiên bởi sự có mặt của “nghệ sĩ” Rice không hề được quảng cáo trước.

 

Nói ngay không phải bà Rice độc diễn dương cầm để khoe cái tài mọn có từ lúc học mẫu giáo mà là đệm đàn cho Charity Sunshine, ca sĩ giọng nữ cao mới 21 tuổi nhưng mắc một chứng bệnh nan y gọi là cao huyết áp động mạch phổi. Bệnh này vốn không rõ nguyên nhân và chưa có thuốc chữa. Khỏi phải nói đây là một đêm hòa nhạc từ thiện nhằm gây quỹ cho Hội Cao huyết áp động mạch phổi Mỹ.

 

Từ khi bà Rice nổi lên như một nhân vật có thế lực trong chính phủ ông Bush, mọi người đều biết hồi nhỏ bà mơ làm nghệ sĩ dương cầm chứ không phải làm chính khách. Riêng cái tên của bà – Condoleezza là biến thể của thuật ngữ âm nhạc Ý Con dolcezza có nghĩa là chơi dịu dàng – cũng đã phần nào nói lên điều đó.

 

Bà Rice học chơi dương cầm từ năm lên 3, từng đi công diễn như một thần đồng âm nhạc và từng mơ ước chu du khắp thế giới như một nghệ sĩ dương cầm lỗi lạc. Trớ trêu thay, lúc vào Đại học Colorado và Stanford, bà bỗng khoái môn quan hệ quốc tế hơn rồi trở thành một chính khách mà sự nghiệp lên như diều gặp gió: Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Bush và là nữ ngoại trưởng người da màu đầu tiên. Giờ đây bà cũng chu du khắp thế giới nhưng với tư cách là ngoại trưởng Mỹ.

 

Cho nên chuyện bà ngồi vào cây đàn dương cầm chỉ là một chuyện nhỏ để nhắc nhở mọi người rằng dẫu sao bà vẫn có thể vỗ ngực tự hào là một tay chơi dương cầm không tồi vì bà vẫn “tập luyện, tập luyện và tập luyện” (lời bà Rice khuyên học sinh nhí 6-7 tuổi học Nhạc viện Hector Berlioz khi bà đến thăm trường này hồi đầu năm nay) các ngón đàn trong những lúc rảnh rỗi hiếm hoi.

 

Theo AKA

Người lao động