1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ngày đẫm máu nhất của Na Uy trong thời bình

(Dân trí) - Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Oslo hôm nay, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg nói vụ tấn công kép ngày 22/7 đã trở thành ngày đẫm máu nhất của Na Uy trong thời bình.


Ngày đẫm máu nhất của Na Uy trong thời bình - 1
Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ngày 23/7.
 
Anders Behring Breivik, 32 tuổi, một công dân Na Uy mắt xanh, tóc vàng, bị tình nghi là thủ phạm của cả 2 vụ tấn công. Anh ta đã bị cáo buộc có các hành động khủng bố sau khi bị bắt.
 
Cảnh sát đang điều tra xem nghi phạm hành động một mình hay có phối hợp cùng ai hay không.

Xuất hiện trên đảo Utoeya trong trang phục cảnh sát, Breivik đã gọi các nạn nhân lại gần trước khi bắn chết từng người một, cướp đi sinh mạng của 84 trong vụ xả súng kinh hoàng vốn biến quốc gia yên bình chìm trong đau thương.

Thảm họa trên đảo Utoeya chỉ ra chỉ 2 giờ sau khi một vụ nổ lớn ngay cạnh tòa nhà chính phủ cao 17 tầng, trong đó có văn phòng Thủ tướng Stoltenberg, làm 7 người chết. Hiện trường vụ nổ bom được ví như hậu quả của vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ cách đây 10 năm.
 
Ngày đẫm máu nhất của Na Uy trong thời bình - 2
Hòn đảo Utoeya vốn được mệnh danh là thiên đường của thanh niên đã biến thành địa ngục.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Oslo một ngày sau thảm kịch, Thủ tướng Stoltenberg đã miêu tả các vụ tấn công “giống như một cơn ác mộng”.

“Vụ việc là ngoài sức tưởng tượng. Đó là một cơn ác mộng, ác mộng cho những người đã thiệt mạng, cho cha mẹ họ, gia đình và bạn bè”, ông Stoltenberg phát biểu trước báo giới.

Ông Stoltenberg, người cũng có văn phòng bị hư hại nặng trong vụ nổ bom, cũng gọi vụ tấn công kép là một thảm họa quốc gia.

“Kể từ Thế chiến II, đất nước chúng ta chưa từng gặp phải vụ phạm tội nào có quy mô như thế này”, ông nói.
 
Ngày đẫm máu nhất của Na Uy trong thời bình - 3
Các nhân viên khẩn cấp và y tế hộ tống các thanh niên sau vụ thảm sát trên đảo Utoeya.

Thủ tướng Na Uy cho hay ông đã lên kế hoạch tới đảo Utoeya chỉ vài giờ trước khi vụ xả súng diễn ra, nói thêm rằng “thiên đường giới trẻ giờ đã bị biến thành địa ngục”.

Cũng theo ông Stoltenberg, trong số 7 người thiệt mạng tại Oslo có các công chức dân sự và ông biết một vài trong số những người thiệt mạng. “Ngoài ra, tôi chưa thể cung cấp các thông tin chi tiết vì cảnh sát đang tiến hành điều tra”, ông nói.

Ông Stoltenberg cho hay còn quá sớm để bình luận về động cơ của các vụ tấn công. Hiện chưa nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm.
 
 
Ngày đẫm máu nhất của Na Uy trong thời bình - 4
Một phụ nữ bị thương đang được trợ giúp ra khỏi tòa nhà bị hư hại nặng trong vụ đánh bom ở trung tâm Oslo.

Sau cuộc họp báo, ông Stoltenberg đã tới một khách sạn gần Utoeya, nơi các thân nhân và những người sống sót có mặt.

Số người chết có thể chưa dừng lại

Tổng số người thiệt mạng trong 2 vụ tấn công hôm nay đã tăng lên 91 người. Cảnh sát cho hay con số này có thể vẫn còn tăng vì họ đang tiếp tục tìm kiếm những vùng nước xung quanh hòn đảo Utoeya.
 
Ngày đẫm máu nhất của Na Uy trong thời bình - 5
Một người qua đường đang trợ giúp một phụ nữ bị thương trong vụ đánh bom tại trung tâm Oslo.

Các nguồn tin cho biết một số người tham gia cắm trại hè trên đảo đã nhảy xuống nước để bơi ra xa với hi vọng thoát khỏi tầm ngắm của tay súng. Tuy nhiên, một số nhân chứng cho biết thủ phạm đã tiếp tục bắn họ dưới nước.

Ngoài 91 nạn nhân đã chết, Bệnh viện Đại học Oslo cho hay 11 người bị thương trong vụ đánh bom và 16 người từ vụ nổ súng đã nhập viện.

Báo chí Na Uy đưa tin rằng nghi phạm gây ra một trong những vụ xả súng đẫm máu nhất thế giới có liên hệ với các phần tử cực đoan cánh hữu. Ngay trong đêm qua, cảnh sát đã lục soát căn hộ của anh ta tại Oslo và đang thẩm vấn người đàn ông này.
 

Điểm lại các vụ xả súng đẫm máu nhất thế giới:

 

- Ngày 22/7/2011: Ít nhất 84 người đã thiệt mạng tại một trại hè trên hòn đảo Utoeya của Na Uy, vài giờ sau vụ nổ bom ở thủ đô Oslo

 

- Tháng 4/2007: Seung-Hui Cho, 23 tuổi, đã sát hại 32 người và tự sát trong khuôn viên Đại học kỹ thuật Virginia, Mỹ

 

- Tháng 4/2002: Robert Steinhaeuser, 19 tuổi, đã giết chết 16 người trước khi tự sát tại Erfurt, Đức

 

- Tháng 4/1999: Hai học sinh Eric Harris, 18 tuổi, và Dylan Klebold, 17 tuổi, đã nổ súng bừa bãi tại trường trung học Columbine ở Littleton, bang Corolado (Mỹ), làm 13 người chết trước khi tự sát

 

- Tháng 4/1996: Martin Bryant, 29 tuổi, đã sát hại 35 người tại khu nghỉ dưỡng Port Arthur ở Tasmania, Australia.

 
- Tháng 3/1996: Thomas Hamilton, 43 tuổi, nổ súng giết chết 16 trẻ em và giáo viên tại một ngôi trường ở Dunblane, Scotland - trước khi tự sát.

An Bình
Theo BBC, AP