1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ngành kinh doanh nhờ “những xác chết cô đơn” ở Nhật

(Dân trí) - Những người chết trong cô đơn thường nằm trên sàn nhà bên cạnh đống quần áo, bát đĩa dơ bẩn, ngổn ngang; mắc kẹt dưới tấm khăn trải giường, hay thõng người bên cạnh tường. Nhiều tháng thậm chí nhiều năm trôi qua, mới có người phát hiện ra thi thể họ…

 
Ngành kinh doanh nhờ “những xác chết cô đơn” ở Nhật - 1
"Những xác chết cô đơn" không ngừng tăng phần nào phản ánh tình trạng dân số Nhật.

 

Từ những năm 1990, Taichi Yoshida, chủ một công ty vận chuyển nhỏ tại Osaka, Nhật, đã nhận ra rằng công việc của ông liên quan nhiều đến những người vừa mới chết. Gia đình của những người chết này hoặc quá đau buồn nên không thể “sắm sửa” cho người thân của họ, hoặc bản thân người chết không có ai thân thích để mà gọi đến.

 

Vì vậy, Yoshida bắt đầu gây dựng một ngành kinh doanh mới: dọn dẹp nhà của người chết. Rồi sau đó ông phát hiện ra điều khác nữa: những vết hoen ố đen dày, có hình thi thể người, chất rỉ ra từ xác chết bị phân hủy. Và ông biết được rằng, những người này là “những người chết cô đơn”, hay là kodokushi trong tiếng Nhật.

 

Giờ ông phải chứng kiến cảnh đó nhiều hơn và những “xác chết cô đơn” đã tạo ra 300-1.500 công ăn việc làm cho công ty ông mỗi năm. Những người chết trong cô đơn thường nằm trên sàn nhà bên cạnh đống quần áo, bát đĩa dơ bẩn, ngổn ngang; mắc kẹt dưới tấm khăn trải giường, hay thõng người bên cạnh tường. Nhiều tháng thậm chí nhiều năm trôi qua, mới có người phát hiện ra thi thể họ. Có trường hợp, tất cả còn lại là một đống xương.

 

“Phần lớn những người chết trong cô đơn là những người rất bừa bộn”, Yosida cho hay. “Đó là người mà khi họ lấy thứ gì đó ra, họ không để nó trở lại chỗ cũ bao giờ; hoặc khi có gì đó bị hỏng, họ không bao giờ sửa; khi một mối quan hệ bị đổ bể, họ không hàn gắn lại”.

 

Tại Nhật Bản, kodokushi, hiện tượng lần đầu tiên được đề cập đến vào những năm 1980, đã trở thành một vấn đề thường thấy. Năm 2008, tại Tokyo , theo con số thống kê của Cơ quan phúc lợi xã hội và y tế công của thành phố, hơn 2.200 người trên 65 tuổi đã chết trong cô đơn. Hầu hết họ là đàn ông trong độ tuổi 50 và trong lớp những người già đang tăng mạnh ở đất nước mặt trời mọc.
 
Ngày nay, cứ 5 người Nhật lại có 1 người trên 65 tuổi. Và đến năm 2030 tỷ lệ này sẽ là 3-1. Do ngày càng nhiều người già sống xa gia đình và do thiếu các nhà dưỡng lão, nhiều người đã phải sống một mình. “Đã có chuyện “thần thoại” khi người già ở Nhật sống trong gia đình 3 thế hệ. Nhưng câu chuyện thần thoại đó giờ không còn nữa”, Takako Sodei, nhà lão khoa làm việc tại Đại học Ochanomizu, Tokyo , cho hay.

 

Suy thoái kinh tế suốt 2 thập kỷ ở Nhật không giúp ích gì. Sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng sau năm 1990 đã thu hẹp nhiều công ty của Nhật, dẫn đến việc tái cơ cấu đến nay vẫn còn. Tỷ lệ nhân công được tuyển bán thời gian, tạm thời, hợp đồng đã tăng gấp ba từ năm 1990, buộc những nam doanh nhân nghiện làm việc của Nhật, mà trong đó có người không bao giờ kết hôn, phải sống trong cảnh cô quạnh khi về hưu sớm. “Thế giới của họ đã bốc hơi dưới đôi chân họ”, Scott North, một nhà xã hội học ở Đại học Osaka , chuyên nghiên cứu về đời sống của người Nhật, cho hay. “Công ty đã là tất cả với những người đàn ông này: dũng khí đàn ông của họ, địa vị xã hội của họ, sự tự tin của họ đều bắt nguồn trong cấu trúc đoàn thể đó”.

 

Rất nhiều năm trước, quận Shinjuku nhộn nhịp của Tokyo đã bắt đầu chiến dịch giúp nhận biết về “xác chết cô đơn”. Quận này còn tổ chức các sự kiện xã hội để thu hút mọi người sống trong các căn hộ, phân phát thông báo cho những người già và kiểm tra họ, như xem họ có đi đổ rác hay không. Những quận khác cũng học theo, nhưng rất khó biết được con số thống kê chính xác những người chết trong đơn độc, vì vậy mà thành công cũng khó có thể đánh giá.

  

Khi người chết trong đơn độc vẫn không giảm, công việc của Yoshida thu hút được sự chú ý khắp Nhật. Một cuốn tiểu thuyết mới ra mắt gần đây dựa trên cuộc đời ông có thể sẽ được dựng thành phim và một seri truyền hình về công việc kinh doanh của ông cũng đã bắt đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi công việc của ông là tốt đẹp.

 

Nhiều trăm năm trước, người Nhật đã chứng kiến cảnh người chết thường xuyên, với xác được các thành viên gia đình mang đi chôn cất và các samurai “trưng” những chiếc đầu bị cắt rời trước công chúng. Ngày nay cảnh đó không còn phổ biến. Những nghi lễ như thế sẽ mang đến “cơ hội để nghĩ về người đã chết”, Masaki Ichinose, triết gia ở Đại học Tokyo và là người đứng đầu Viện nghiên cứu sự sống và cái chết của Đại học cho hay. Viện được thành lập vào năm 2002 nhằm khuyến khích thêm các cuộc trao đổi về người chết trên toàn quốc.

 

Kinh doanh quanh trên người chết như Yoshida là một nghề không đẹp đẽ gì và thường bị coi là tàn ác, giống như đã được thể hiện trong bộ phim Departures, bộ phim giành giả Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất vào năm ngoái. Bộ phim kể về một nghệ sỹ chơi viôlôngxen thất nghiệp và chuyển sang làm việc “sắm sửa” xác chết cho các tang lễ. Ichinose cho hay “bộ phim đã tạo được sự quan tâm tới nghề này nhưng hầu hết mọi người thường vẫn có xu hướng tránh né ”.

 

Và Ichinose lo ngại xu hướng kodokushi có thể được liên hệ với thói quen văn hóa đương thời của Nhật: thờ ơ trước người chết. “Tôi không biết tại sao”, ông nói. “Nhưng mọi người không muốn thấy một xác chết, và nhìn chung họ không muốn nói về người chết”.

 

Nguyên Hạ

Theo Time

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm